Cần thiết phải có Luật Kiểm soát ô nhiễm nước

(PLO) - Hiện nay, ô nhiễm nước và kiểm soát ô nhiễm nước là lĩnh vực hết sức phức tạp nhưng thực tiễn cho thấy việc kiểm soát lĩnh vực này chưa được chú ý đúng tầm. Vì vậy, thực thi các hoạt động kiểm soát ô nhiễm nước trong hệ thống luật và xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam đang trở nên rất cấp thiết.
Ảnh minh họa nguồn internet
Ảnh minh họa nguồn internet

Đây là quan điểm được đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo nghiên cứu về ô nhiễm nước và sự cần thiết phải xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam do Chương trình Liên minh Vận động chính sách Kiểm soát và Ngăn ngừa ô nhiễm nước (Liên minh Nước sạch) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hôm qua (2/3) tại Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc CECR, Báo cáo nghiên cứu này là kết quả hơn 4 năm nghiên cứu, phân tích chính sách pháp luật bảo vệ môi trường nước mặt, nghiên cứu xây dựng mô hình tiếp cận hệ sinh thái và thúc đẩy các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm nước của Liên minh Nước sạch do CECR điều phối thực hiện.

“Ô nhiễm nước và kiểm soát ô nhiễm nước là lĩnh vực hết sức phức tạp. Bất kỳ nội dung nào trong lĩnh vực này cũng liên quan mật thiết tới kinh tế, xã hội và luật pháp. Nội dung kiểm soát ô nhiễm nước bao trùm các khía cạnh sinh thái, bảo tồn, tính chất lý hóa của nước, các vấn đề công nghệ, tiêu chuẩn, các vấn đề quản lý lưu vực, quản lý nguồn nước. Chính vì độ phức tạp như vậy mà ô nhiễm nước vẫn tồn tại dai dẳng, gây nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Hệ sinh thái nước mặt cũng bị tổn hại nghiêm trọng”- bà Lý cho biết.

Tại lễ công bố, các chuyên gia thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường cũng như đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã nhất trí và đánh giá cao báo cáo nghiên cứu khi đề cập đến những vấn đề “nóng” hiện nay, trong đó phân tích khá kỹ về thực trạng, các ảnh hưởng ô nhiễm nước tới sức khỏe và kinh tế; những bất cập trong hệ thống pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước; kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát ô nhiễm nước. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường về đề xuất xây dựng Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội Khóa XIV để kiểm soát ô nhiễm nước nhằm từng bước đẩy lùi ô nhiễm nước và khôi phục nguồn nước sạch Việt Nam.

Nhiều ý kiến của chuyên gia nghiên cứu cho rằng, các văn bản luật pháp về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước của Việt Nam còn nhiều bất cập, khâu “ngăn ngừa” chưa được quan tâm đúng mực; khâu xử lý chưa triệt để, thông tin giám sát ô nhiễm và chất lượng nước chưa công khai. Vai trò cộng đồng trong “giám sát” mờ nhạt và đặc biệt nội dung ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước trong văn bản chưa đầy đủ, chi tiết.

Việc thực thi các hoạt động kiểm soát ô nhiễm nước trong hệ thống luật hiện nay cũng đối mặt với các thách thức như nền tảng công nghệ xử lý nước thải còn yếu và thiếu, các nguồn nước thải bị quản lý bởi nhiều bên khác nhau. Vì vậy cần phải có một luật riêng quy định về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước trong thời gian tới.

“Các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan đều có Luật hoặc hệ thống luật chuyên biệt kiểm soát ô nhiễm nước và đều đưa khoa học công nghệ xử lý nước thải làm điểm tựa cho các công cụ kiểm soát, coi việc bảo tồn hệ sinh thái cho cá và các thủy sinh trong nước, đảm bảo an toàn cho sinh kế con người là mục tiêu cao nhất…” – bà Nguyễn Ngọc Lý dẫn chứng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay- khi mà tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở những khúc sông, suối nhỏ, các thủy vực gắn liền với khu cụm công nghiệp, các làng nghề và các khu đô thị- thì giải pháp trước mắt được khá nhiều các chuyên gia đồng tình là ưu tiên xử lý và khôi phục triệt để các sông suối nhỏ đang bị ô nhiễm trước khi chờ đợi một luật kiểm soát ô nhiễm nước ra đời.

Đọc thêm