Thời gian qua, tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có diễn biến phức tạp. Tuy có chiều hướng được kìm chế nhưng nguy cơ bùng phát và lây lan vẫn còn ở mức cao. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện dịch bệnh đã xảy ra tại 62 huyện của 19 tỉnh, thành với tổng số đàn heo buộc tiêu hủy gần 35.000 con.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội công nghệ cao TP HCM cho biết, ứng dụng phần mềm Te-Food đã được triển khai trên 14 nước trên thế giới, khi áp dụng thực hiện phần mềm sẽ là kênh liên lạc giữa chính quyền và người chăn nuôi để kiểm soát được tình hình đàn heo và việc vận chuyển heo trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, hệ thống sẽ thu thập thông tin hàng ngày và phân tích, xử lý số liệu phục vụ nắm tình hình và đưa ra quyết định nhanh chóng, đề xuất can thiệp kịp thời giảm mất mát do dịch bệnh. Chương trình hỗ trợ kiểm soát đàn và phòng dịch được cung cấp miễn phí, tuy nhiên đến khi thực hiện truy xuất nguồn gốc phải thì có dụng cụ đi kèm, thì chi phí khoảng 15.000 đồng/con.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, chương trình không chỉ có ý nghĩa đối với người chăn nuôi mà còn là công cụ hữu hiệu để kiểm soát hiệu quả trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ phát tán. “Để thịt lợn có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt ở các hệ thống siêu thị thì cần thiết phải truy xuất nguồn gốc”, ông Toại nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Toại mong muốn kiểm soát 100% đàn heo của toàn TP, rộng hơn nữa là cả vùng. Để làm được điều này cần có tiếng nói chung của chính quyền ở các địa phương nhằm tạo điều kiện ổn định thị trường, từ đó đời sống người dân được cải thiện. Thời gian tới Sở Công thương Cần Thơ sẽ tham mưu UBND TP tổ chức Hội thảo khoa học để triển khai đến các cấp, ngành có liên quan ở các tỉnh, TP trong khu vực nhằm thúc đẩy triển khai áp dụng công nghệ đến từng hộ chăn nuôi.