Là người có “thâm niên” chất vấn các thành viên Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, muốn siết chặt kỷ cương, QH cần triển khai nghiêm túc việc bỏ phiếu tín nhiệm và người bị bỏ phiếu cũng không nên “nặng nề” về chuyện này.
- Khi Vinashin rơi vào tình trạng khó khăn, có ý kiến cho rằng, trách nhiệm một phần thuộc Chính phủ nhưng một phần thuộc về cơ chế và hệ thống, quan điểm của bà thế nào?
- Có thể nói, về sai phạm của Vinashin, chúng ta cần nghiêm khắc nhìn lại vấn đề điều hành và quản lý Nhà nước trong thời gian qua. Đây là một trong những điển hình của sự buông lỏng và thiếu kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu nói trách nhiệm một phần thuộc Chính phủ, một phần thuộc cơ chế và hệ thống thì tôi xin hỏi cơ chế này do ai đặt ra? Cơ chế này do chúng ta đặt ra, vậy thì chúng ta phải sửa.
- Khi vấn đề “trách nhiệm” của Chính phủ được QH đề cập, đặc biệt là khi ĐBQH nhắc đến việc bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ, thì có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Quốc hội có một quyền lực rất quan trọng là quyền giám sát. Quyền này được quy định trong luật và Quốc hội sẽ là người đại diện cho ý chí của nhân dân cả nước để mà giám sát những hoạt động có liên quan đến sự phát triển của đất nước, trong đó vai trò của Chính phủ. Quan điểm của tôi rất rõ ràng là chúng ta giám sát để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải là giám sát để phê bình cá nhân hay để cho xong chuyện.
Tôi nhớ tại QH khóa XI, khi giám sát chuyên đề về việc sử dụng vốn, tài sản của nhà nước, QH đã có những kiến nghị rất cụ thể đối với Chính phủ, Chính phủ cũng đã có tiếp thu, nhưng vấn đề là khắc phục những hạn chế đó như thế nào thì chưa thấy triển khai cụ thể.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh). |
Bên cạnh quyền giám sát thì QH có quyền bỏ phiếu tín nhiệm. Muốn siết chặt kỷ cương, theo tôi, cần triển khai nghiêm túc quyền này. Bỏ phiếu tín nhiệm không phải là nhằm hạ uy tín cá nhân, mà vấn đề là để người có trọng trách được giao cương vị quản lý một lĩnh vực nào đó hay một trách nhiệm nào đó thấy được trách nhiệm của mình, thấy thiếu sót của mình để khắc phục. Bỏ phiếu tín nhiệm không có nghĩa là mỗi lần bỏ phiếu là một lần buộc anh phải từ chức, anh phải ra khỏi vị trí ấy. Tiếc là trong những năm vừa qua, QH chưa làm được điều này. Bỏ phiếu tín nhiệm là một quy trình vô cùng khó khăn, từ QH khóa XI đã đặt ra mà đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Tôi nghĩ rằng, với cơ chế hiện nay thì những người được QH bầu thì QH phải được bỏ phiếu tín nhiệm.
- Bà đánh giá thế nào về ý kiến “Giám sát là thế mạnh của QH nhưng việc giám sát mới dừng lại ở mức kiến nghị, còn kiến nghị ấy có được Chính phủ và các cơ quan tiếp thu, có làm hay không lại là chuyện khác”?
- Đúng là hiện nay giám sát của QH chưa có chế tài nào, mức độ cao nhất mới là kiến nghị thôi. Bởi vậy, theo tôi cần phải sửa Luật Giám sát của QH. Sửa ở đây là giám sát để có những kiến nghị mang tính pháp lý, chứ không phải kiến nghị xong nghe cho vui rồi thôi. Vấn đề là hậu giám sát, QH cần phải tăng cường hậu giám sát hơn nữa và phải có chế tài.
QH được nhân dân trao quyền lực rất lớn, nhưng quyền lực đó phải được triển khai trong thực tế, chứ không phải chỉ hình thức. Theo tôi, QH chỉ có thực quyền khi đi được vào những vấn đề nóng bỏng của đất nước.
- Xin cảm ơn bà.
Hồng Thúy (thực hiện)