67.6% bác sĩ tuyến huyện có chỉ định thuốc gây hại trong bệnh viêm phổi trẻ em
Y tế cơ sở được coi là mối quan tâm lớn của Chính phủ và người dân vì đây là tuyến tiếp cận đầu tiên của người dân trong chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) và là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) chủ yếu cho nhóm có thu nhập thấp. Có đến 41% người dân có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh tại trạm y tế xã (TYTX) và 45% đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện huyện.
Do đó, trong năm 2015, Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã tiến hành nghiên cứu đo lường một số khía cạnh của chất lượng dịch vụ CSSK tại 78 bệnh viện huyện (phỏng vấn 749 bác sĩ) và 246 TYTX (phỏng vấn 251 bác sĩ/y sĩ) tại 6 tỉnh, thành đại diện các vùng miền. Nghiên cứu đã sử dụng mô hình Donabedian để đo lường chất lượng.
Cụ thể, mô hình đánh giá tính sẵn có của một số yếu tố đầu vào chính và năng lực của bên cung ứng dịch vụ, đánh giá hiện trạng, trình độ và kiến thức của cán bộ y tế, đánh giá thực hành của bác sĩ thông qua quan sát lâm sàng và phỏng vấn bệnh nhân, so sánh giữa kiến thức và thực hành của cán bộ y tế, sơ bộ đánh giá khía cạnh kết quả của chất lượng qua phỏng vấn bệnh nhân. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các câu hỏi và quan sát chẩn đoán, điều trị, kê đơn của các bác sĩ tuyến huyện, xã về 5 bệnh cơ bản thường gặp như tiêu chảy trẻ em, viêm phổi trẻ em, lao, tiểu đường týp 2, tăng huyết áp.
Kết quả cho thấy, năng lực trong khai thác bệnh sử và khám bệnh của bác sĩ tuyến huyện và xã đối với 5 bệnh thường gặp ở tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu (hỏi và khám thiếu nội dung). Khả năng chẩn đoán đúng, cùng chẩn đoán và chỉ định hợp lý còn rất hạn chế, đặc biệt với bệnh viêm phổi trẻ em và tăng huyết áp. Cụ thể, bệnh tiêu chảy trẻ em chỉ có 6% bác sĩ chẩn đoán đúng hoàn toàn, còn tỷ lệ chẩn đoán sai ở các bệnh đái tháo đường type 2 vẫn còn 14%, bệnh tăng huyết áp độ 1 chẩn đoán sai 19%.
Bên cạnh đó, tình trạng kê đơn điều trị không hợp lý và có hại còn cao ở cả tuyến huyện và xã, đặc biệt với bệnh viêm phổi trẻ em (67.6%-71.8%) và các bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp độ 1 (32.2% - 44.6%). Cán bộ y tế tuyến huyện có trình độ cao hơn cán bộ y tế tuyến xã, đồng thời trình độ học vấn của cán bộ cũng có mối tương quan thuận với khả năng chẩn đoán, điều trị. Không có sự khác biệt rõ ràng về trình độ chuyên môn giữa các tỉnh và mức nghèo của các khu vực.
Quá ít thời gian dành cho bệnh nhân
Kết quả báo cáo cũng cho biết, những bác sĩ có điểm đánh giá kiến thức cao cũng có mức độ cố gắng cao khi thực hành. Tuy nhiên, nhìn chung bác sĩ thực hành ít hơn những gì họ đã biết là nên làm. Đặc biệt, bác sĩ ở bệnh viện huyện làm ít hơn những gì họ nên làm, còn bác sĩ tuyến xã có mức độ cố gắng cao hơn gần tương xứng với kiến thức, nhưng kiến thức của họ lại hạn chế. Như đối với điều trị bệnh tiêu chảy, bác sĩ ở bệnh viện huyện thực hành ít hơn những gì họ đã trả lời trong bảng câu hỏi tình huống, còn bác sĩ tuyến xã biết ít hơn nhưng làm nhiều hơn các bác sĩ tuyến huyện.
Bác sĩ ở bệnh viện huyện có xu hướng ưa áp dụng những chỉ định chăm sóc đắt tiền hơn, chỉ định nhiều xét nghiệm, kê nhiều thuốc và nhìn chung có tỷ lệ điều trị không cần thiết cao. Bên cạnh đó, bác sĩ ở tất cả các tuyến đều không có sự phân biệt khi khám và ứng xử với bệnh nhân giữa người nghèo và không nghèo hay theo dân tộc. Ngược lại, bác sĩ có mức độ cố gắng cao hơn đối với những bệnh nhân có biểu hiện bệnh nặng hơn. Số lượng bệnh nhân đông có ảnh hưởng rõ rệt đến mức độ cố gắng của bác sĩ. Trung bình, bác sĩ ở bệnh viện huyện khám trên 50 bệnh nhân/ngày nên chỉ dành thời gian dưới 5 phút/ bệnh nhân, trong khi bác sĩ khác có 5 bệnh nhân/ ngày có thể dành thời gian khoảng 10 phút/bệnh nhân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, quá tải bệnh viện, một bác sĩ khám quá nhiều bệnh nhân là một trong những lý do khiến bác sĩ khó có thể dành nhiều thời gian cho bệnh nhân để hỏi kỹ càng về tiền sử bệnh, tư vấn dùng thuốc, chăm sóc sức khoẻ… Do đó, thời gian tới phải làm sao “phân luồng” bệnh nhân cho hợp lý để giảm tải cho các bác sĩ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Cần phải tạo thói quen hẹn khám cho bệnh nhân, nhất là các bệnh mãn tính, cần nhiều thời gian tư vấn như đái tháo đường, tăng huyết áp…
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mức độ cố gắng của một bác sĩ trung bình ở Việt Nam tương tự với các bác sĩ có mức độ cố gắng thấp ở Paraguay, nhưng gần với các bác sĩ tốt nhất ở Ấn Độ. Bác sĩ Việt Nam cũng kê nhiều thuốc hơn bác sĩ ở các nước khác ở tất cả các cấp độ cố gắng. Về năng lực chuyên môn cán bộ giữa các tỉnh, nghiên cứu cho thấy rằng bác sĩ ở các tỉnh Điện Biên, Đồng Nai, Đắk Lắk có năng lực thấp hơn đáng kể so với các tỉnh Đồng Tháp, Bình Định, Hà Nội.
Được biết, ngày 5/12 vừa qua, Chính phủ vừa phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Thời gian tới Bộ Y tế sẽ chú trọng đầu tư phát triển nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ y tế cơ sở để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, chất lượng.