Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra yêu cầu trên khi chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 diễn ra hôm nay (2/7).
Củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước
Mở đầu Hội nghị,Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang ở thời kỳ rất khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn trước rất nhiều. Thế nhưng, tinh thần của Chính phủ là càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì càng phải phát huy dân chủ, giữ nguyên tắc, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe các ý kiến phản biện trái chiều để từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu cho phù hợp, khả thi và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhất.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị Hội nghị phải đánh giá toàn bộ tình hình 6 tháng qua, những việc làm được, chưa làm được, phân tích rõ nguyên nhân, các phát biểu phải ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, không báo cáo thành tích mà cần chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những vướng mắc cần tháo gỡ với tinh thần “5 thật”: nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và nhân dân, doanh nghiệp hưởng thụ thành quả thật.
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều đồng tình, nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đặc biệt ấn tượng trước những kết quả đạt được trong bối cảnh khó khăn do hai đợt dịch COVID-19 bùng phát với những biến thể nguy hiểm hơn. GDP tăng trưởng 5,64%, cao hơn 1,82% so với cùng kỳ.
Các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế tăng cao, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng – an ninh được giữ vững. 6 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế chính sách, tập trung phân cấp, phân quyền, tập trung quyết liệt chiến lược vaccine, tích cực đẩy mạnh và tăng cường ngoại giao vaccine. Những nỗ lực và thành quả quan trọng trong 6 tháng qua tăng cường, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những thành tích đạt được trong nửa đầu năm nay là kết quả của việc tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Chúng ta đã kế thừa những thành tích, bài học quý của nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm qua. Việc rút kinh nghiệm từ những hạn chế để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, vừa kế thừa ổn định nhưng cũng vừa đổi mới, phát triển.
“Chúng ta đã huy động được sức mạnh của toàn dân, sức mạnh đại đoàn kết, huy động được và truyền cảm hứng được cho nhân dân để nhân dân cùng vào cuộc với cấp ủy, chính quyền, hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu kép” – Thủ tướng ghi nhận.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng qua. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra, giải ngân vốn đầu tư công đã cố gắng nhưng vẫn còn chậm, nhất là vốn ODA. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Sản xuất, kinh doanh ở một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn.
Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế trên là do có tâm lý chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong phòng chống dịch, còn khuynh hướng mất bình tĩnh đưa ra những biện pháp không phù hợp, thậm chí cực đoan. Ví dụ như 1 xã có ca dương tính lại đi phong tỏa cả 1 huyện, 1 tỉnh rồi việc phân cấp, phân quyền ở một số nơi chưa triệt để sinh ra cản trở, ách tắc, làm kém hiệu lực, hiệu quả trong điều hành của các cấp, các ngành. Việc tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách vẫn còn lúng túng.
Theo Thủ tướng, chúng ta phải thẳng thắn chỉ ra điều này, rút kinh nghiệm, điều chỉnh lại để xứng đáng với niềm tin của người dân và sự giao trách nhiệm của cấp trên.
“Tôi thay mặt Chính phủ nhắc nhở các địa phương, cơ quan, đơn vị chưa rà soát các vướng mắc này, vướng mắc ở đâu, ở cấp nào – luật hay nghị định của Chính phủ hay thông tư của Bộ trưởng thì các đồng chí phải chỉ ra cái gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, dứt khoát Chính phủ phải làm, làm nhanh, kịp thời, hiệu quả, làm đúng quy trình. Cái gì thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ trưởng phải trực tiếp giải quyết, xử lý.
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 2/7/2021. |
Dứt khoát chúng ta phải theo tinh thần này. Còn cái gì vượt quá thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ sẽ cùng các địa phương, cơ quan, đơn vị trên cơ sở thực tiễn, khoa học, pháp lý, chúng ta phải kiên trì thuyết trình, đề xuất có lý lẽ bởi các quy định, quy trình không bao giờ phủ hết được mọi góc cạnh của đời sống nhưng thực tiễn đòi hỏi thì phải điều chỉnh, quan trọng nhất là phát hiện ra sớm để điều chỉnh” – Thủ tướng lưu ý.
Xác định trọng tâm, trọng điểm
6 tháng cuối năm, Thủ tướng cho rằng chúng ta phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ nhưng phải biến khó khăn, thách thức thành hành động vươn lên. Chính phủ thống nhất chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, kiên trì thực hiện mục tiêu kép dù đây là một lựa chọn khó song khó mấy cũng phải quyết tâm làm. Có điều, chúng ta không thực hiện máy móc mà phải bám sát thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Chúng ta phải thực hiện tốt bài học đại đoàn kết, thống nhất, đoàn kết với các địa phương, đoàn kết nội bộ, huy động tổng lực sức mạnh đại đoàn kết để thực hiện mục tiêu kép, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, lấy bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.
“Phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn, cá thể hóa rõ ràng hơn và phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và chống tiêu cực, lãng phí với tinh thần biết đến đâu quản đến đấy” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho dập dịch, đẩy nhanh chiến lược vaccine và tích cực ngoại giao vaccine; rà soát vướng mắc về thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trong lúc khó khăn với các cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư. Đồng thời, đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội để người dân, doanh nghiệp có môi trường ổn định cho phát triển, yên tâm lao động, sản xuất.