Các quyền của chủ rừng đối với rừng sản xuất hiện nay đã được Dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi ghi nhận, song rất nhiều các quyền này vẫn ghi “theo quy chế quản lý rừng”. Mặc dù tinh thần chung của Dự thảo và Quyết định 49/2016/QĐ-TTg về quy chế quản lý rừng sản xuất là khuyến khích mạnh mẽ việc đầu tư vào rừng sản xuất, tuy nhiên, các quy định cụ thể lại không thể hiện được điều này.
Đặc biệt, tại Quyết định 49 vẫn có quy định yêu cầu chủ rừng sản xuất phải có hồ sơ thiết kế khai thác rừng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt hàng năm trước khi được khai thác rừng của chính mình. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này cần được xóa bỏ và việc ghi nhận quyền tự chủ quyết định khai thác gỗ trên rừng sản xuất thuộc sở hữu tư nhân cần được ghi nhận trong Luật.
Các chuyên gia pháp luật cũng nhận định, có thể sẽ có ý kiến cho rằng việc trao quyền quá lớn cho chủ rừng là sự buông lỏng quản lý của Nhà nước, ví dụ, trao quyền khai thác gỗ cho chủ rừng sản xuất mà không có sự kiểm soát của Nhà nước sẽ dẫn đến tình trạng chủ rừng chặt phá rừng quá mức để khai thác lấy gỗ, làm suy giảm diện tích rừng của Việt Nam. Tuy nhiên, cần thống nhất quan điểm rõ ràng rằng, chỉ khi nào Nhà nước trao toàn bộ quyền sở hữu, hưởng dụng mới có thể khiến chủ rừng yên tâm đầu tư rừng sản xuất.
Một trong những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư quyết định bỏ vốn là họ phải nhìn ra cơ hội rút lui khỏi thị trường khi cần thiết. Đơn cử như việc gửi tiền vào ngân hàng, nếu người dân biết rằng rút tiền ra có thể sẽ gặp khó khăn thì họ sẽ hạn chế gửi tiền.
Hay như trước đây Nhà nước có quy định muốn mổ trâu, mổ bò phải xin phép với lý do bảo vệ sức kéo và chính quy định này làm giảm động lực đầu tư nuôi trâu bò của người dân và doanh nghiệp, bởi họ không thể chắc chắn rằng khi cần tiền gấp họ có thể bán con trâu, con bò đó để mổ thịt. Đầu tư vào rừng cũng vậy, nếu các quyền của chủ rừng như bán lại, sang nhượng, quyền thế chấp để vay vốn, quyền khai thác lâm sản (cả gỗ và lâm sản ngoài gỗ), quyền cho thuê lại phục vụ du lịch, nghiên cứu khoa học,… không được pháp luật ghi nhận và bảo vệ thì chính là sự cản trở nhà đầu tư bỏ tiền vào lâm nghiệp.
Việc ghi nhận vững chắc quyền tự quyết định việc khai thác gỗ của chủ rừng sản xuất không chỉ có ý nghĩa thu hút đầu tư mà còn giúp cung cấp thêm gỗ cho các hoạt động chế biến, thị trường gỗ từ các khu rừng sản xuất. Điều này làm giảm áp lực lên hoạt động khai thác gỗ trái phép tại các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nơi mà cây gỗ có ý nghĩa cho lợi ích công cộng.
Thực tế nhiều doanh nghiệp phản ánh là việc xin Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kế hoạch khai thác gỗ rừng sản xuất hàng năm rất khó khăn. Do chỉ tiêu độ che phủ rừng là một trong những chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nên các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường tìm cách gây khó khăn khi doanh nghiệp có nhu cầu khai thác tài sản của chính mình.
Chính sách này những tưởng theo hướng “khuyến khích trồng, hạn chế chặt” rừng sản xuất sẽ có tác dụng tăng độ che phủ rừng. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp và người dân đã chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực khác, thay vì đầu tư vào rừng vì quyền rút lui khỏi thị trường của họ bị gây khó dễ.