Thể chế trong Kỷ nguyên mới

Cần xây dựng hệ sinh thái trợ lý ảo phục vụ hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp

(PLVN) -Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì buổi làm việc với một số đơn vị về tình hình triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục Công nghệ thông tin đã chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, thử nghiệm các giải pháp ứng dụng trợ lý ảo vào công tác rà soát, phân tích văn bản quy phạm pháp luật và nhận diện chính sách. Bộ Tư pháp cũng đã triển khai thử nghiệm giải pháp chuyển đổi giọng nói thành văn bản cho các phòng họp thông minh, bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực, mở ra triển vọng thay đổi cách thức làm việc truyền thống.

Cục Công nghệ thông tin đã phối hợp với Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel chuẩn bị các điều kiện (hạ tầng, cài đặt phần mềm ứng dụng, đào tạo) triển khai thí điểm Phần mềm quản lý văn bản, trong đó có phân hệ quản lý Lịch làm việc. Đối với Lịch làm việc của Lãnh đạo Bộ; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã được khai thác, sử dụng chính thức. Đối với Phân hệ Quản lý Văn bản, Cục phối hợp với các đơn vị thử nghiệm, đánh giá trước 30/4/2025. Dự kiến triển khai chính thức trước ngày 15/5/2025.

Triển khai các nền tảng số, Cục cũng phối hợp xây dựng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật tích hợp với thông tin, dữ liệu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng định danh quốc gia để nâng cao hiệu quả hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, phản ứng chính sách. Hệ thống đã được rà quét an toàn an ninh thông tin, sẵn sàng kết nối với ứng dụng VneID.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểutại buổi làm việc.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểutại buổi làm việc.

Phát biểu gợi mở tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, để xây dựng được một hệ sinh thái trợ lý ảo phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật, cần bắt đầu từ việc khai thác triệt để những lợi thế sẵn có. Bên cạnh đó, cần cân nhắc khả năng xây dựng một hệ thống dữ liệu về văn bản cá biệt – những tình huống áp dụng pháp luật cụ thể trong tổ chức thi hành pháp luật.

Đây là kho tình huống thực tiễn, phản ánh cách thức xử lý theo quy định pháp luật - hoàn toàn có thể là nguồn học liệu cho AI để tạo ra các gợi ý hành vi, chuẩn mực ứng xử. Nó sẽ giúp công cụ trợ lý ảo không chỉ tra cứu mà còn định hướng cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình áp dụng pháp luật. Trong Luật Ban hành VBQPPL có một chương về tổ chức thi hành pháp luật – vậy thì hệ thống dữ liệu đó càng cần được làm rõ, phục vụ cho triển khai thực tiễn.

Ngoài ra, các dữ liệu về rà soát, đánh giá, tổng kết hiệu quả thực thi pháp luật cũng cần tích hợp vào kho dữ liệu này. Khi đó, AI mới có thể hỗ trợ hiệu quả trong công tác rà soát, góp phần xây dựng hệ sinh thái pháp lý thông minh và có chiều sâu.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số không thể thành công nếu hạ tầng yếu kém. Vấn đề đường truyền, lưu trữ, kết nối phải được giải quyết triệt để – muốn cán bộ làm được thì ít nhất mạng phải mạnh, tốc độ cao, không nghẽn.

Theo Thứ trưởng, một yếu tố nữa rất quan trọng trong hệ sinh thái trợ lý ảo – đó là con người. Việc phân bổ cán bộ chuyên trách về chuyển đổi số ở các đơn vị là cần thiết. Đặc biệt, để triển khai sâu rộng việc chuyển đổi số ở Bộ, ngành Tư pháp thì mỗi đơn vị đều cần có cán bộ chuyên sâu về công nghệ thông tin, và đây là thách thức không nhỏ.

"Tư duy của chúng ta phải chuyển đổi: mỗi chuyên viên đều phải là một chuyên gia chuyển đổi số. Do đó, đào tạo là khâu then chốt – vì chính chúng ta là người xây dựng nên hệ thống, nên phải được trang bị đầy đủ năng lực. Cần rà soát, xây dựng các tiêu chí đánh giá chuyển đổi số một cách cụ thể, và triển khai thi đua trong toàn ngành." - Thứ trưởng chỉ đạo.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, nhiệm vụ then chốt của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Tư pháp là thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số ngành Tư pháp – từ hạ tầng, nhân lực, dữ liệu đến cơ chế chính sách. Trước hết phải định nghĩa rõ hệ sinh thái đó gồm những thành tố nào, sau đó mới tổ chức thực hiện một cách bài bản, đồng bộ và có trọng tâm, trọng điểm.

Cũng tại buổi họp, Thứ trưởng lưu ý: 03 cơ sở dữ liệu về Thi hành án dân sự, công chứng, quản lý xử lý vi phạm hành chính phải xong trong năm 2025.

Đọc thêm