Cần xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm xả chất thải rắn ra môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã có, chúng ta cần nghiêm túc thi hành, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh thì mới có tính răn đe, buộc người dân phải chấp hành”, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh.
Các đại biểu tại tọa đàm trực tuyến “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị” (ảnh Bảo Châu).
Các đại biểu tại tọa đàm trực tuyến “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị” (ảnh Bảo Châu).

Tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các cơ quan chức năng mới tổ chức tọa đàm trực tuyến “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Nguyễn Công Dũng - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết: Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, cùng với thói quen sinh hoạt và ý thức của con người khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, trở thành vấn đề đáng lo ngại. Bởi vậy, giải quyết vấn đề ô nhiễm, nhất là ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại các đô thị là việc làm cấp bách mà nhiều quốc gia phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề ô nhiễm hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề này thông qua việc đổi mới căn bản các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là các giải pháp thông qua các dự án, chương trình hành động cụ thể như chương trình “Đô thị giảm nhựa” trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”.

Các đại biểu đưa ra ý kiến, giáo dục bằng hành động tại các hộ gia đình, hay mô hình “Trường học không rác thải nhựa” (Ảnh: Bảo Châu).

Các đại biểu đưa ra ý kiến, giáo dục bằng hành động tại các hộ gia đình, hay mô hình “Trường học không rác thải nhựa” (Ảnh: Bảo Châu).

Ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị.

Trao đổi tại tọa đàm, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thông tin: "Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam có khoảng 20% là chất thải có thể tái chế, 60% chất thải hữu cơ có compost, phân vi sinh, biogas... Phần lớn các thành phần trong chất thải rắn sinh hoạt đều có thể tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và chôn lấp. Nếu việc chôn lấp được thực hiện đúng quy cách cũng có thể tạo ra tài nguyên không gian. Như vậy cần có chính sách để tái chế, tái sử dụng".

Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt được chú trọng giải quyết ngay tại nguồn. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 và Khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024. Mấu chốt là làm sao đưa chính sách pháp luật và đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống. Khi hệ thống pháp luật đã đầy đủ, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, thì công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện cần phải được đẩy mạnh. Việc tuyên truyền vận động phải được thực hiện bài bản có chiến lược, thường xuyên, liên tục đến tất cả các tầng lớp Nhân dân. Trong đó, Ban Tuyên giáo các cấp có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng, chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, một biện pháp không thể thiếu đó là phải có sự giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm.

Ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh: “Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã có, chúng ta cần nghiêm túc thi hành, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh thì mới có tính răn đe, buộc người dân phải chấp hành.

Chúng ta cũng thấy rằng, việc thực hiện các chính sách này không thể một sớm một chiều mà có thể thành công ngay được. Chúng ta cần thời gian để người dân biết, làm quen, cố gắng thực hiện và tự nguyện thực hiện rồi thành thói quen, thành tác phong của mỗi người và điều đó cần phải kiên trì, có sự quyết tâm chính trị cao ở người đứng đầu ở địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở".

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi về công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; kết quả, hạn chế thực hiện việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; kinh nghiệm rút ra, phương hướng trong thời gian tới để nâng cao sức mạnh việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị.

Đồng thời, đại biểu tại Tọa đàm khuyến nghị các địa phương triển khai các giải pháp và mô hình dựa vào cộng đồng, song song với việc hoàn thiện hệ thống quản lý và đồng bộ cơ sở hạ tầng như: Ưu tiên thực hiện ngay từ các cơ quan, đơn vị hành chính giảm sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; Tổ chức các phong trào cộng đồng tham gia xóa điểm nóng rác thải, ngăn chặn chất thải thất thoát ra môi trường; Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng dân cư; Thúc đẩy các mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn trong cộng đồng, như mô hình “Ngư dân mang rác về bờ”, Giáo dục bằng hành động tại các hộ gia đình, hay mô hình “Trường học không rác thải nhựa”...

Đọc thêm