"Các tế bào bạch cầu có vai trò rất quan trọng trong việc chống nhiễm trùng và chữa bệnh, nhưng nếu chúng có quá nhiều hoặc ở sai vị trí thì có thể gây hại", ông Matthias Nahrendorf, trường Y khoa Harvard, Mỹ, đồng tác giả của nghiên cứu này cho biết.
Chính sự căng thẳng kéo dài dẫn đến việc sản xuất quá mức các tế bào bạch cầu gây ra các vấn đề sức khoẻ. Những tế bào này có thể dính vào thành động mạch, làm hạn chế lưu lượng máu và hình thành nên các cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu khắp cơ thể.
Để xác định mối quan hệ giữa căng thẳng và đau tim, Nahrendorf và một nhóm các nhà nghiên cứu đã khảo sát trên 29 y sĩ làm việc trong đơn vị chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện, nơi phải chịu khá nhiều căng thẳng trong khi làm việc.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu máu từ nhóm người này trong cả giờ làm việc và giờ nghỉ, và họ cũng khảo sát về mức độ căng thẳng của nhóm người này. Sau khi quan sát thấy việc sản xuất quá mức các tế bào bạch cầu trong cơ thể của nhóm người, họ thực hiện một thí nghiệm trên chuột và nhận thấy lượng tế bào bạch cầu phản ứng tương tự với căng thẳng trong quá trình thử nghiệm.
Trong khi nghiên cứu này đã có thể làm sáng tỏ về mối liên hệ giữa căng thẳng và đau tim, Nahrendorf cũng nói thêm rằng huyết áp, đặc điểm di truyền, cholesterol cao và hút thuốc lá cũng góp phần làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.