Căng thẳng liên Triều: Triều Tiên điều quân đến biên giới, từ chối phái viên Hàn Quốc

(PLVN) - Hôm nay – 17/6, Triều Tiên sẽ bố trí lại quân đội tại hai khu vực kinh tế liên Triều gần biên giới, khôi phục lại các đồn biên phòng đã được gỡ bỏ, đẩy căng thẳng trong khu vực lên một nấc mới sau khi cho nổ văn phòng liên lạc chung chiều hôm qua.
Hôm qua -16/6, Văn phòng liên lạc liên Triều tại thành phố biên giới Kaesong đã bị đánh sập. Bức ảnh này do Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố, được đăng trên trang tin của Yonhap.
Hôm qua -16/6, Văn phòng liên lạc liên Triều tại thành phố biên giới Kaesong đã bị đánh sập. Bức ảnh này do Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố, được đăng trên trang tin của Yonhap.

Theo thông tin từ hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), quyết định chuyển quân tới khu công nghiệp hiện đang bị đóng cửa ở thành phố biên giới Kaesong và khu du lịch núi Kumgang ở bờ biển phía đông là hành động mới nhất trong một loạt các hành động mà Triều Tiên đã thực hiện đối với Hàn Quốc sau  những cảnh báo về việc nước này để người đào tẩu thả tờ rơi cống chính quyền Bình Nhưỡng.

Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên cũng cho biết họ sẽ nối lại "tất cả các loại cuộc tập trận quân sự thường xuyên" gần biên giới liên Triều bất chấp thỏa thuận quân sự giảm căng thẳng mà hai miền Triều Tiên đã ký năm 2018.

"Các đơn vị cấp trung đoàn và các đơn vị hỏa lực cần thiết sẽ được triển khai tại khu du lịch Núi Kumgang và Khu công nghiệp Kaesong nơi chúng tôi có chủ quyền", một phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu nói, được Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin.

Cũng theo người phát ngôn này, các đơn vị pháo binh được triển khai trên toàn bộ chiến tuyến để tăng cường nhiệm vụ chiến đấu, các đồn cảnh sát dân sự sẽ được triển khai trở lại để tăng cường lực lượng bảo vệ trên tiền tuyến.

Bộ Tổng tham mưu sẽ "xây dựng các kế hoạch hành động quân sự chống lại kẻ thù chi tiết hơn" và trình kế hoạch cho Ủy ban Quân sự Trung ương của Đảng Công nhân phê duyệt "sớm nhất", KCNA cho biết.

KCNA cũng cho hay,  Triều Tiên đã "thẳng thừng" từ chối lời đề nghị của Hàn Quốc gửi đặc phái viên để xoa dịu căng thẳng, gọi đó là một đề nghị "vô nghĩa" và "nham hiểm".

Trước đó, Triều Tiên đã thực hiện một loạt các hành động trả đũa đối với Hàn Quốc, lên án các nhà hoạt động gửi tờ rơi chỉ trích sự lãnh đạo và chế độ của họ là một hành động vi phạm các thỏa thuận liên Triều.

Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ đối phó với Hàn Quốc như một "kẻ thù", cắt đứt mọi đường dây liên lạc xuyên biên giới và đe dọa sẽ thực hiện các biện pháp khác, bao gồm cả hành động quân sự, phá dỡ khu công nghiệp chung Kaesong và hủy bỏ thỏa thuận quân sự năm 2018 mà hai miền Triều Tiên đã ký để giảm căng thẳng xuyên biên giới.

Hàn Quốc bày tỏ sự hối tiếc và cảnh báo sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Triều Tiên có nhiều hành động để leo thang căng thẳng.

Quan hệ liên Triều vốn gần như bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh không có thỏa thuận giữa Bình Nhưỡng và Washington vào tháng 2/2019. Vào tháng 10/2019, Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc phá bỏ tất cả các cơ sở "trông khó chịu" tại khu nghỉ mát Núi Kumgang. Ra mắt vào năm 1998, chương trình du lịch là một biểu tượng của sự hòa giải và hợp tác liên Triều nhưng đã bị trì hoãn từ năm 2008, khi một du khách Hàn Quốc bị bắn chết gần khu nghỉ mát vì bị cáo buộc xâm phạm khu vực ngoài giới hạn.

Đọc thêm