Điển hình là trường hợp vợ chồng ông Trần Văn Khanh, ngụ huyện Lệ Thủy. Ông Khanh nhận cuộc gọi của người tự xưng tổng đài ngân hàng thông báo số thuê bao của ông 2 tiếng nữa sẽ bị cắt để điều tra vụ án liên quan đường dây mua bán đưa người từ TP HCM sang Campuchia, đồng thời gửi lệnh tạm giam, lệnh truy nã thể hiện ông Khanh là nghi can.
Tiếp đó đối tượng nối máy cho ông Khanh gặp người tự xưng Công an hình sự quận 7, nói nếu muốn tạm hoãn lệnh bắt thì trong vòng 2 ngày phải hợp tác điều tra, mở 1 tài khoản mới chuyển tiền vào để kiểm tra, nếu không liên quan sẽ chuyển trả lại, tuyệt đối giữ bí mật thông tin.
Vì lo sợ, vợ ông Khanh đã đến Agribank Chi nhánh huyện Lệ Thủy đóng 6 sổ tiết kiệm và chuyển tất cả số tiền trên vào tài khoản cá nhân của mình với tổng số tiền 294 triệu đồng.
Tiếp đó các đối tượng yêu cầu ông Khanh chuyển hết số tiền qua tài khoản mới để xác minh. Sau nhiều lần chuyển tiền lên đến 670 triệu đồng, ông Khanh không thể liên lạc được với các đối tượng, lúc này mới biết mình bị lừa.
Trường hợp của bà Trần Kim Trà (xã Tân Thủy) cũng gần tương tự. Bà Trà nhận cuộc gọi của đối tượng tự xưng Công an TP Hà Nội thông báo sim của bà bị khóa 2 chiều vì bà có 1 sim liên quan đến nội dung “nhắn tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”. Các đối tượng yêu cầu bà Trà muốn chứng minh mình trong sạch phải mở tài khoản theo số điện thoại mới rồi chuyển tiền vào tài khoản để phong tỏa, nếu không liên quan sẽ trả lại. Bà Trà đã chuyển 70 triệu đồng, sau đó mới nhận ra mình bị lừa.
May mắn hơn, có 2 người ngụ xã Sen Thủy và Phú Thủy bị lừa với thủ đoạn tương tự, nhưng nhờ sự nhanh trí của giao dịch viên Ngân hàng Agribank Lệ Thủy, nên đã ngăn chặn thành công việc chuyển tiền.
Dù báo chí và cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, nhưng số lượng nạn nhân vẫn tăng lên. Theo Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Quảng Bình, để nạn nhân “sập bẫy”, các đối tượng chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi.
Các chiêu thức phổ biến hiện nay là tự xưng nhân viên bưu điện, bưu cục thông báo cho nạn nhân đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND/CCCD đăng ký mở tài khoản ngân hàng...
Khi bị hại trả lời không có thì các đối tượng hướng dẫn, nối máy cho bị hại nói chuyện với người tự xưng cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án để trình báo. Lúc này đối tượng tự xưng công an tiếp tục thông báo cho bị hại là họ đang liên quan các vụ án, chuyên án đang điều tra, đã có lệnh bắt của công an và phê chuẩn của viện kiểm sát. Đồng thời yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng…
Để bị hại tin tưởng, nhóm đối tượng thường mặc sắc phục đợi sẵn. Khi nạn nhân “dính bẫy”, các đối tượng sẽ sử dụng các ứng dụng điện thoại gọi hình ảnh để nạn nhân nhìn thấy như mình đang nói chuyện với cán bộ chức năng thật.
Các đối tượng cũng sử dụng phần mềm, ứng dụng gọi điện thoại qua mạng internet có thể hiện thị số gọi đến là số điện thoại của cơ quan công an (chỉ khác đầu số gọi đến) nên khi bị hại kiểm tra qua tổng đài 1080, mạng internet... thì không thể phát hiện được.
Công an Quảng Bình cảnh báo, để tránh "sập bẫy" loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an các cấp, cần nhất vẫn là ý thức phòng ngừa, cảnh giác của tất cả mỗi người dân. Đặc biệt phải hết sức thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại. Khi có nghi vấn, phải báo ngay cho người nhà biết và thông báo cho cơ quan công an gần nhất để xử lý.