Cảnh báo một số thủ đoạn của tội phạm buôn người

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nạn nhân mà tội phạm buôn người nhắm tới thường là những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết pháp luật; chị em phụ nữ có cuộc sống gia đình đổ vỡ, bị tổn thương về tình cảm nên có tư tưởng chán nản, bi quan; các bé gái ở tuổi mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống...
Bắt đối tượng Danh Thị Mau. (Ảnh: Công an cung cấp)
Bắt đối tượng Danh Thị Mau. (Ảnh: Công an cung cấp)

Theo số liệu thống kê, tính riêng năm 2023 và quý I/2024, Công an tỉnh Bạc Liêu đã đấu tranh, bóc gỡ 4 vụ mua bán người; bắt, khởi tố 14 bị can có liên quan. Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh đã xác lập 2 chuyên án đấu tranh với nhóm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, xóa nhiều đường dây mua bán phụ nữ dưới vỏ bọc “lấy chồng ngoại quốc”.

Đại tá Lê Thanh Hùng (Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh cho biết, qua thực tiễn đấu tranh, có thể thấy nạn nhân mà tội phạm buôn người nhắm tới thường là những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết pháp luật; chị em phụ nữ có cuộc sống gia đình đổ vỡ, bị tổn thương về tình cảm nên có tư tưởng chán nản, bi quan; các bé gái ở tuổi mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống.

Một số phương thức, thủ đoạn tội phạm buôn người thường sử dụng như kết nối Zalo, Facebook để dụ dỗ đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng; tìm kiếm “việc nhẹ, lương cao”… Sau khi nạn nhân mắc bẫy, chúng khống chế, buộc phải lao động nặng nhọc tại các sòng bạc, hoạt động mại dâm, đẻ thuê… Khi nạn nhân không chịu được bóc lột, chúng bắt gọi điện về cho gia đình tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị bắt nhốt, đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác.

Về nguyên nhân tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp thời gian gần đây, một phần do công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý người nước ngoài, nhận hộ khẩu, xuất nhập cảnh, hôn nhân, việc cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài… Song nguyên nhân trực tiếp vẫn là do đời sống kinh tế của một bộ phận người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, từ đó áp lực tìm kiếm việc làm khiến họ dễ sa vào cạm bẫy của tội phạm buôn người.

Mới đây, Công an tỉnh Bạc Liêu đã đấu tranh, bóc gỡ đường dây buôn người do Danh Thị Mau (SN 1972) và Nguyễn Thị Loan (SN 1984, cùng ngụ huyện Hòa Bình) cầm đầu. Mau và Loan câu kết một số đối tượng trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm những phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ học vấn thấp, những phụ nữ đã thôi chồng trên địa bàn Bạc Liêu và các tỉnh lân cận, rồi dụ dỗ nếu đồng ý lấy chồng Trung Quốc sẽ đưa cho gia đình từ 90 - 120 triệu đồng/người.

Thượng tá Lâm Mỹ Thuận, Phó Phòng ANĐT cho biết, trong đường dây mua bán người này, số đối tượng chủ mưu, cầm đầu cũng như các mắt xích có liên quan đa phần sử dụng họ tên, địa chỉ giả nên việc làm rõ nhân thân, lai lịch, quá trình hoạt động rất khó khăn. Mặc khác, các đối tượng sống tại nhiều tỉnh, thành, thậm chí ở nước ngoài, gây khó khăn cho CQĐT trong quá trình điều tra, truy bắt, dẫn giải.

Những vụ mua bán người nằm trong đường dây thì hầu hết diễn ra tại các tỉnh khu vực biên giới, thậm chí tại Trung Quốc nên việc thu thập tài liệu chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn những bị hại đang ở Trung Quốc, còn những trường hợp đã về Việt Nam thì do tâm lý mặc cảm, lo sợ bị trả thù nên không đến tố giác, gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình đấu tranh chuyên án. Có những trường hợp nạn nhân đến tố giác nhưng do tâm lý bị khủng hoảng trong thời gian dài nên không nhớ rõ được chính xác nơi mình bị bán, bị giam giữ.

Từ thực tế phá án, một số điều tra viên cho rằng cần lồng ghép tuyên truyền phòng, chống buôn người vào trong các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong giải quyết những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội như: vấn đề hỗ trợ việc làm, xóa đói giảm nghèo. Và mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.

Đọc thêm