Cảnh báo “tín dụng đen” núp bóng công ty tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện chỉ có 16 công ty tài chính được cấp phép hoạt động, tuy nhiên thực tế không ít tổ chức, cá nhân mạo danh công ty tài chính cho vay với mức lãi suất cao.
Các công ty tài chính bị ảnh hưởng bởi “tín dụng đen” cầm đồ núp bóng các áp công nghệ. (Ảnh minh họa)
Các công ty tài chính bị ảnh hưởng bởi “tín dụng đen” cầm đồ núp bóng các áp công nghệ. (Ảnh minh họa)

Theo thông tin tại Hội thảo “Tài chính tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng nhà nước - NHNN) tổ chức mới đây, hiện NHNN mới chỉ cấp phép hoạt động cho 16 công ty tài chính (CTTC) với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc. Tuy nhiên, hoạt động cho vay tiêu dùng không chỉ do các tổ chức tín dụng (TCTD) và các CTTC được cấp phép này triển khai.

Theo Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng Phòng trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các TCTD, CTTC do NHNN cấp phép, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”.

Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Cũng theo Trung tá Đỗ Minh Phương, thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, TCTD. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.

“Qua các vụ án có thể thấy, các đối tượng “tín dụng đen” có xu hướng chuyển đổi sang hoạt động trên môi trường không gian mạng, số tiền giao dịch lớn hơn rất nhiều so với các thủ đoạn phạm tội truyền thống, có sự tham gia của nhiều người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau” - Trung tá Đỗ Minh Phương lưu ý.

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), nhìn chung, hoạt động của các CTTC tiêu dùng được NHNN cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các TCTD và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng.

“Tuy nhiên, dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức, qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi “tín dụng đen”, nhưng hoạt động/thương hiệu của các CTTC tiêu dùng được NHNN cấp phép lại đang bị hiểu nhầm/đánh đồng với các CTTC mạo danh, không hoạt động theo Luật Các TCTD hay các quy định pháp luật ngân hàng khác. Ví như: một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty fintech cho vay online, các App cho vay... không phải do NHNN cấp phép, không phải là TCTD. Những công ty này tự đặt tên mập mờ là “CTTC” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như CTTC do NHNN cấp phép…” - bà Tùng cho hay.

Đại diện NHNN khẳng định, bất kỳ tổ chức nào không được NHNN cấp phép mà sử dụng cụm từ “CTTC” “hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một TCTD” là vi phạm quy định tại Điều 5 về “Sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Luật Các TCTD.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú lưu ý hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do NHNN cấp phép và hoạt động “tín dụng đen” đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các CTTC tiêu dùng. Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Phát triển tín dụng tiêu dùng là một xu hướng tất yếu, tuy nhiên phải đảm bảo được sự lành mạnh. Đây là hai yếu tố đi cùng với nhau. Hơn thế nữa, cần phải đảm bảo được sự công bằng, minh bạch để người vay cũng như người cho vay luôn được an toàn…”.

Đọc thêm