Cảnh báo từ... ngành “nóng” kỳ tuyển sinh ĐH 2012

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều thí sinh đang làm hồ sơ dự thi nhưng vẫn mù mờ về ngành học mà mình lựa chọn. Trong khi đó, có tới trên 50% thí sinh đổ xô vào khối ngành kinh tế...

Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều thí sinh đang làm hồ sơ dự thi nhưng vẫn mù mờ về ngành học mà mình lựa chọn. Trong khi đó, có tới trên 50% thí sinh đổ xô vào khối ngành kinh tế...

Thí sinh biết gì về ngành học đã lựa chọn? Ảnh chỉ mang tính minh họa
Thí sinh có biết nhiều về ngành học đã lựa chọn?.

Bão hòa cử nhân tài chính, ngân hàng

Mới đây, trong một cuộc giao lưu trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận với nhân dân, có độc giả đã nêu câu hỏi: “Phải chăng công tác hướng nghiệp, định hướng ngành nghề của Việt Nam rất kém?”. Đáp lại, người đứng đầu ngành giáo dục đã không đưa ra được câu trả lời rõ ràng, thuyết phục.
Có thể nói, nếu chỉ nhìn vào công tác tư vấn tuyển sinh thì hầu như sinh viên chỉ được tiếp nhận kỹ thuật làm hồ sơ, kỹ năng làm bài, thông tin ngành nghề nào ra trường lương cao, dễ xin việc... Nhưng hầu hết những thông tin này không có tính dự báo lâu dài. Bởi sau 4-5 năm học, xã hội đã quá nhiều thay đổi, liệu người học cứ đổ xô vào các ngành nghề “nóng” như kinh tế, ngân hàng, tài chính, kế toán và tạo nên sự bão hoà, dư thừa thì có còn dễ xin việc?
Vụ Giáo dục Đại học cho biết, năm học này cả nước có 248/416 trường, đạt tỉ lệ 59,62% các trường tuyển sinh một trong bốn ngành gồm kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán. Trong 3 năm qua, tỉ lệ thí sinh đăng ký các ngành trên chiếm 41%. Nếu con số này (hiện đang tăng) vượt quá 50%, thì chắc chắn sau 4 năm nữa, cử nhân ra trường sẽ rất khó xin việc. Điều này buộc Bộ GD&ĐT đưa ra biện pháp khống chế chỉ tiêu đầu vào ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng của các trường ĐH năm 2012 xuống 184.300 chỉ tiêu (trong tổng số 576.000 chỉ tiêu ĐH - CĐ) để thực hiện mục tiêu hạ sự quá tải ngành học này xuống 32%.
Một trong những nguyên nhân khiến người học sau khi ra trường phải đi làm trái ngành nghề cũng do hình thức xét tuyển các nguyện vọng (NV). Không ít thí sinh trượt NV1 đã chấp nhận may rủi lao đơn NV2, NV3 vào các ngành, các trường khác nhau mà không hiểu rõ khi học ra sẽ làm gì. Kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ bỏ hình thức xét NV này vì lỗi thời nhưng rất khó triệt để vì dự báo thí sinh ảo sẽ tăng lên.
Thi dễ đậu, lương lại cao
Hiện nay, có rất nhiều ngành học mà cơ hội việc làm rất rộng mở nhưng điểm chuẩn hàng năm không cao như: Tâm lý học, Điều khiển tàu biển, Nông - Lâm - Ngư, Công nghệ hạt nhân, Kinh tế chính trị...
Đơn cử như Tâm lý học, đây là một ngành khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng lại giúp người học có nhiều cơ hội xin việc sau khi ra trường. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Tâm lý học có thể làm công tác nghiên cứu về tâm lý, tư vấn tâm lý, trợ lý trị liệu tâm lý, trợ lý lãnh đạo về nhân sự, tổ chức lao động nghiên cứu tâm lý khách hàng cho các tổ chức và công ty... hoặc làm công tác giảng dạy môn Tâm lý học.
Một loạt cơ hội việc làm khác cũng mở ra cho cử nhân Tâm lý học như công tác ở các đài phát thanh, đài truyền hình, tổng đài tư vấn qua điện thoại, các trung tâm tư vấn, các trường giáo dưỡng. Ngoài ra, có thể làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán và trị liệu tâm lý tại bệnh viện, tư vấn tâm lý học đường, quản lý nhân sự và tư vấn tâm lý trong doanh nghiệp, giảng dạy tâm lý học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, viện nghiên cứu...
Trong khi đó, điểm chuẩn ngành này chỉ ở khoảng 17 - 19 điểm và có rất nhiều trường đang đào tạo ngành Tâm lý học như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH KHXH&NV- ĐHQG Hà Nội; ĐHKHXH&NV TPHCM, ĐH Quy Nhơn, ĐH Huế...
Một ví dụ khác là ngành Tàu biển. Điểm chuẩn vào ngành này khá dễ thở khi chỉ ở mức 13 - 14,5 điểm, tức chỉ nhích hơn điểm sàn một chút. Học ngành này, sinh viên có kiến thức về xác suất, thống kê, lý thuyết sai số để đánh giá độ chính xác của đại lượng đo đạc và nghiên cứu các chuyên đề liên quan đến an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển.
Sau khi ra trường, kỹ sư Tàu biển có thể đảm nhận nhiệm vụ: Sĩ quan hàng hải mức vận hành; làm việc ở các công ty bảo hiểm, giám định hàng hải, cảng vụ, hoa tiêu, cục hàng hải, các công ty vận tải biển, công ty bảo đảm an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển... Lãnh đạo ĐH Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, sinh viên năm thứ tư các ngành Điều khiển tàu biển và các ngành khác như Thiết kế thân tàu thủy, Kinh tế vận tải biển, Máy tàu biển đã được các công ty vận tải biển quốc tế đến tuyển dụng và khi ra trường nhận mức lương rất cao, hơn 1.000 USD/tháng!
Cũng thật thiếu sót nếu không nhắc đến Kinh tế chính trị, một ngành học tuy không mới nhưng rất dễ xin vệc. Mục tiêu đào tạo các cử nhân kinh tế chính trị là có kiến thức cơ bản, tổng hợp và hệ thống về kinh tế chính trị hiện đại, có năng lực làm việc tại các cơ sở giảng dạy và nghiên cứu, các tổ chức công...
Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân Kinh tế chính trị có thể làm việc trong các cơ quan nghiên cứu kinh tế; các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam hoặc nước ngoài; làm giảng viên trong các trường đại học và cao đẳng hoặc làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế... Điểm chuẩn Khối A và D1 năm 2010 của ngành Kinh tế chính trị cũng không hề cao: ĐH Kinh tế (ĐH QGHN) đều 21 điểm; ĐH Kinh tế Huế 13 điểm (khối A,D1,2,3,4); Học viện Báo chí & Tuyên truyền khối C 19,5 điểm, khối D1 17,5 điểm...
Có nhiều ngành mới, lạ
Hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ đã công bố ngành, chuyên ngành học mới trong kỳ thi năm 2012. Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông vừa chính thức công bố chuyên ngành học mới: An toàn thông tin mạng (ATTT), thi theo khối A và A1. Cũng từ năm 2012, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông bắt đầu tổ chức xét tuyển cho sinh viên năm thứ hai của trường vào học chuyên ngành ATTT. Lãnh đạo Học viện cho biết, đây là chuyên ngành đào tạo được xây dựng từ thực tế hiện nay tại Việt Nam. 
Năm 2012, Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở ngành mới Kinh tế tài nguyên dự kiến 60 chỉ tiêu, thi khối A và D1. Đây là ngành đào tạo mới ở Việt Nam trong khối ngành kinh tế học, được Bộ GD&ĐT giao cho Trường ĐH Kinh tế quốc dân đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao về kinh tế và quản lý tài nguyên. Để khuyến khích sinh viên học tập và phục vụ cho lĩnh vực quản lý nguồn tài nguyên quốc gia, Trường ĐH Kinh tế quốc dân có chính sách ưu tiên giảm 1 điểm so với điểm sàn chung vào trường.
Trường ĐH Quốc tế (thuộc ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cũng mở ngành mới là Kỹ thuật tài chính và Quản trị rủi ro (thuộc khoa Quản trị kinh doanh), tuyển 50 chỉ tiêu khối A, A1. Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh thì mở hai chuyên ngành mới là Quản trị dự án xây dựng và Kỹ thuật kết cấu công trình với 70 chỉ tiêu mỗi ngành. 
Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) có ngành mới là Tiếng Anh du lịch, tuyển khối D1 (70 chỉ tiêu) và Tiếng Nga du lịch, tuyển khối C, D1, D2 (35 chỉ tiêu). Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cũng bổ sung hai ngành mới là Công nghệ sinh học tuyển khối B (60 chỉ tiêu) và Công tác xã hội tuyển khối C, D1 (60 chỉ tiêu). Trường ĐH Văn hóa Hà Nội năm nay mở nhiều chuyên ngành mới khá hấp dẫn: Đạo diễn sự kiện, Biểu diễn âm nhạc và Hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Trường ĐH Luật Hà Nội cũng mở hai ngành mới là Luật kinh tế (tuyển sinh theo khối thi A, C, D1) và Luật thương mại quốc tế (tuyển khối D1).
Theo các chuyên gia tuyển sinh, với những ngành học mới và những ngành học ít được thí sinh “để mắt” lại là những ngành có đầu vào dễ thở, thậm chí được tuyển dụng khi chưa tốt nghiệp...
Uyên Na

Đọc thêm