Cảnh giác 'bẫy' lừa nhân danh thiện nguyện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều đối tượng đã lợi dụng lòng tốt của người dân, đăng tải các trường hợp người bệnh có hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi từ thiện, thực chất lấy tiền bỏ túi. Các cơ quan, đơn vị đã không ít lần đưa ra cảnh báo về những “bẫy” lừa như trên.

Dàn dựng hoàn cảnh thương tâm để trục lợi

Mới đây, Bệnh viện Đà Nẵng cảnh báo về những vụ kêu gọi ủng hộ bệnh nhân nghèo trên địa bàn Đà Nẵng. Theo cảnh báo này, thời gian qua, nhiều hội nhóm hoạt động trên địa bàn TP Đà Nẵng đã liên tục chia sẻ lời kêu gọi giúp đỡ một sinh viên Quảng Ngãi đang học tập tại Đà Nẵng có hoàn cảnh thương tâm. Cha mắc ung thư giai đoạn cuối, vừa rồi, khi nữ sinh trên đường về thăm cha thì bị tai nạn nghiêm trọng. Hiện gia đình khó khăn không có khả năng chữa trị nên mong cộng đồng chung tay hỗ trợ. Bài viết đã nhanh chóng lan toả, được nhiều người quan tâm, kêu gọi ủng hộ.

Theo thông tin của Bệnh viện Đà Nẵng đăng tải trên Fanpage chính thức của Bệnh viện, không có trường hợp nào như trên đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng và trường hợp lừa đảo này cũng từng rộ lên vào thời điểm vài tháng trước. Bệnh viện Đà Nẵng cảnh báo người dân cẩn thận với các trường hợp kêu gọi ủng hộ giả mạo. Nếu có những ca bệnh đang được kêu gọi giúp đỡ, người dân nên liên hệ đến bộ phận công tác xã hội của Bệnh viện để được hướng dẫn, xác minh, hỗ trợ…

Cách đây ít lâu, một sự việc tương tự cũng xảy ra tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh. Một tài khoản trên mạng xã hội đăng bài viết có nội dung trình bày hoàn cảnh có con nhỏ bị viêm não mô cầu, sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, cháu đã không qua khỏi. Bao nhiêu tiền bạc đổ vào điều trị hết nên gia đình không có tiền đưa con nhỏ về quê lo hậu sự. Để tăng thêm phần tin tưởng, bài viết để tên tuổi, quê quán, đồng thời có hình ảnh cháu bé bệnh tật và cả giấy chứng nhận tử vong do phía Bệnh viện cấp.

Bài viết này cũng đã khơi dậy lòng thương cảm của cộng đồng. Tuy nhiên, sau đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã lên tiếng xác nhận toàn bộ thông tin và giấy tờ nói trên là hoàn toàn giả mạo. Tương tự, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng từng lên tiếng về một số vụ giả danh người nhà bệnh nhân trong Bệnh viện để đăng tin kêu gọi ủng hộ.

Một trường hợp giả mạo bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã được Bệnh viện cảnh báo. (Nguồn ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Một trường hợp giả mạo bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã được Bệnh viện cảnh báo. (Nguồn ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Trường hợp khác diễn ra ở Huế vào cuối năm 2023, một cá nhân đã tự lấy hoàn cảnh của một gia đình có người thân bị bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn, tự tạo nhóm từ thiện để kêu gọi ủng hộ. Cá nhân này nhận được số tiền quyên góp là 8,1 triệu đồng nhưng không trao lại cho gia đình nói trên mà dùng để chi xài cá nhân. Cơ quan công an đã khởi tố trường hợp này về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Gần đây, cơ quan công an cũng liên tục triệt phá những đường dây giả mạo công tác từ thiện bằng cách dựng nên hoàn cảnh thương tâm để kêu gọi ủng hộ. Như trường hợp một băng nhóm đã bị Cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ năm 2023. Băng nhóm này đã sử dụng hình ảnh, thông tin các trường hợp tử vong, già yếu neo đơn, bệnh hiểm nghèo và kêu gọi xây dựng chùa... để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hơn 3,6 tỷ đồng của hơn 3.000 người dân ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Số tiền này được dùng để tiêu xài cá nhân và các hoạt động tệ nạn khác.

Chị Nguyễn Thị A.N., giáo viên cấp 1 tại quận Tân Bình, một trong những nạn nhân của “từ thiện qua mạng” chia sẻ: “Từ trước đến nay tôi vẫn thường gửi tiền ủng hộ các bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hội nhóm trên mạng. Cách đây ít lâu, tôi đọc được thông tin về một hoàn cảnh thương tâm con bị bệnh nặng, cha mẹ không có tiền thuốc thang cho con đã đành, còn không có tiền ăn cơm hàng ngày. Thấy vậy, tôi có chuyển khoản cho số tài khoản trong bài viết kêu gọi số tiền 1 triệu đồng để ủng hộ.

Sau đó, do xúc động trước hoàn cảnh nói trên và bệnh viện được nhắc đến trong bài viết cũng tiện đường đi dạy nên tôi đã đem ít quần áo, quà bánh ghé qua định trao tặng, nhưng tìm đến đúng khoa bệnh mà không hề có hoàn cảnh nào như trên. Bệnh nhân trong phòng kể là mấy ngày qua cũng đã có vài người tìm đến để hỗ trợ như tôi. Nhờ vậy, tôi mới phát hiện ra mình bị lừa, rút kinh nghiệm từ nay sẽ thận trọng hơn khi quyết định làm từ thiện “tự phát” khi trao niềm tin vào các bài viết trên mạng”.

Thực tế, các hoạt động lừa đảo từ thiện trên mạng bằng cách dựng nên các trường hợp bệnh tật nghiêm trọng, hoàn cảnh thương tâm đã phổ biến từ nhiều năm nay. Các cơ quan chức năng cũng liên tục đưa ra thông tin cảnh báo về loại hình lừa đảo này với nhiều thủ đoạn dàn dựng hoàn cảnh giả mạo hoặc lợi dụng hoàn cảnh thật, băng nhóm bắt tay với người nhà bệnh nhân để trục lợi từ thiện. Tuy nhiên, do những cảm xúc thương cảm nhất thời, thiếu sự tỉnh táo, hàng loạt người dân vẫn bị lừa. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, loại hình lừa đảo này lại nở rộ với nhiều chiêu trò tinh vi hơn.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, tỉnh táo, tìm hiểu kĩ thông tin, trao gửi tình thương của mình đúng đối tượng. Có như vậy, những kẻ giả mạo không có cơ hội lợi dụng tình thương đồng bào để trục lợi bất chính; Để niềm tin vào tình người được gìn giữ, không bị xói mòn trước những gian dối, lừa đảo.

Đọc thêm