Cảnh giác với chiêu tạo sốt đất “ảo” ăn theo đất nền đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
Đất nền đấu giá luôn là hàng hiếm và là 'gà đẻ trứng vàng' của giới đầu tư bất động sản. Thế nhưng nếu không tỉnh táo, nhiều người sẽ rơi vào bẫy sốt đất “ảo”.
Cảnh giác với chiêu tạo sốt đất “ảo” ăn theo đất nền đấu giá

Sức hút đất nền đấu giá

Phân khúc đất nền vẫn được đánh giá là "gà đẻ trứng vàng" của nhiều nhà đầu tư, bởi dòng sản phẩm này có tính an toàn cao và khả năng gia tăng giá trị lớn. Đặc biệt, thị trường bất động sản đang trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đất nền vẫn là kênh đầu tư được nhiều người ưu tiên. Bởi vậy, tại nhiều nơi tổ chức đấu giá, không chỉ người dân ở địa phương đó mà một lượng lớn nhà đầu tư từ các tỉnh thành khác nhau sẽ đổ về nộp hồ sơ, tham gia đấu giá.

Tại một số địa phương, mỗi khi đến thời điểm tổ chức phiên đấu giá đất đều có rất đông các nhà đầu tư, người dân có nhu cầu mua nhà ở tham gia. Cũng bởi sức "nóng" cục bộ tại khu vực đấu giá đất, số lượng các văn phòng giao dịch bất động sản với đội ngũ nhân viên đông đảo, văn phòng công chứng đã mọc lên “như nấm sau mưa”.

Khảo sát cho thấy, tại một số địa phương, thời gian vừa qua hoạt động đấu giá đất và các giao dịch bất động sản diễn ra khá sôi động đã tạo sức hút lớn với các nhà đầu tư. Đơn cử, mới đây, tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang), Công ty Đấu giá hợp danh Bảo An phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã tổ chức đấu giá 37 lô đất tại dự án đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng và khu dân cư thôn Tiên Phong, xã Nội Hoàng.

Theo đó, giá khởi điểm mỗi lô đất dao động từ 2,16 tỷ đồng đến 3,96 tỷ đồng. Kết quả, 35 lô đất trúng đấu giá với số tiền hơn 107 tỷ đồng, chênh lệch hơn 20 tỷ đồng so với giá khởi điểm, trong đó có nhiều lô chênh lệch gần 1 tỷ đồng. Khách hàng trúng đấu giá chủ yếu thuộc TP. Bắc Giang, các huyện: Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng và tỉnh Bắc Ninh.

Chỉ cần nghe tin ở đâu tổ chức các phiên “chợ đất”, không chỉ dân đầu tư ở địa phương đó mà một lượng lớn nhà đầu tư từ các tỉnh thành khác nhau sẽ đổ về "xếp hàng" tham gia đấu giá.

Thị trường bất động sản với phân khúc đất nền tại một số khu vực vùng ven Hà Nội cũng diễn ra nhộn nhịp, vào trước thời điểm Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá, các lô đất đều được đấu giá thành công và vượt xa so với mức giá khởi điểm ban đầu. Ví dụ như phiên đấu giá tại xã Tự Lập (huyện Mê Linh), tất cả 123 lô đất đều có người trúng đấu giá, đặc biệt mức giá cao hơn gấp 2, 3 lần so với giá khởi điểm ban đầu.

Có thể thấy, hoạt động đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tại một số địa phương được triển khai hiệu quả góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các chuyên gia bất động sản cho biết, thời gian qua tại một số địa phương, việc thành công trong công tác đấu giá các khu đất đến từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là việc các cấp chính quyền đã đưa ra nhiều phương án để nâng cao giá trị các khu đất. Trong đó, các khu đất trước khi đem ra đấu giá đều có hồ sơ quy hoạch chi tiết, quy hoạch giao thông, xây dựng được cập nhật đầy đủ và đúng phương án đã được phê duyệt.

Cẩn trọng với chiêu trò tạo sốt đất “ảo”

Khảo sát tại một số địa phương cho thấy, sau khi kết thúc các phiên đấu giá, nhiều lô đất sau đó được rao bán với mức giá tăng cao gấp 2, gấp 3 lần so với mức giá khởi điểm. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư sau khi đấu giá thành công sẽ “lướt sóng” cho những người khác ngay tại khu đất và có thể lãi từ 30 - 150 triệu đồng/lô.

Anh Nguyễn Bá Trình, một nhà đầu tư chuyên phân khúc đất nền cho biết: “Đầu tư đất nền trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn an toàn và hiệu quả. Tôi thường tìm hiểu và đi đấu giá đất nền ở Hà Nội và các tỉnh vùng ven như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Nguyên. Thông thường mình tham gia phiên đấu giá để mua các lô đất có vị trí đẹp, sát mặt đường. Nhiều lô đất tôi trúng đấu giá với mức giá cao, nhưng ngay sau đó đã có khách trả ngay mức chênh 30 - 100 triệu đồng/lô. Nếu thấy hợp lý thì mình có thể “lướt sóng”, hoặc nếu thấy có khả năng giá lên cao thì mình chờ một thời gian rồi bán để thanh khoản”.

Mặc dù sức hút đất nền đấu giá tại các địa phương luôn là mảnh đất “gà đẻ trứng vàng” của các nhà đầu tư, thế nhưng, nếu không tỉnh táo thì bản thân những "thượng đế" cũng phải đối mặt với rủi ro, thậm chí những lô đất trúng đấu giá bị mắc kẹt và thanh khoản chậm.

Nguyên nhân một phần do dịch Covid-19 kéo dài khiến thị trường bất động sản một số địa phương không được như kỳ vọng, nhiều nhà đầu tư "ôm" đất đấu giá bị hụt hơi và sau đó chấp nhận bỏ cọc, đồng thời hủy giao dịch. Các chuyên gia bất động sản nhận định, trong trường hợp này, người trúng đấu giá có thể là người của địa phương khác hoặc ở trên địa bàn; đây là lúc lực lượng cò mồi nhảy vào để tạo cơn sốt đất "ảo" khiến thị trường bị xáo trộn. Những người trúng đấu giá với giá cao này đến thời điểm phải nộp tiền theo quy định thì sẵn sàng bỏ cọc, chứ không nộp tiền đã trúng với giá trên trời tại các phiên đấu giá.

Nhiều khu đất mặc dù mới chỉ là dự kiến được chính quyền tổ chức đấu giá, nhưng giá đất tại các khu vực lân cận đã tăng chóng mặt, thậm chí tăng gấp đôi.

Nhiều nhà đầu tư chia sẻ, tại một số phiên đấu giá đất, có trường hợp nhân viên môi giới dùng chiêu trò thỏa thuận ngầm để thông đồng, bắt tay nhau nhằm “thổi” giá. Dễ thấy nhất là việc họ huy động hàng chục người xếp hàng, thậm chí còn giả chen lấn để tạo ra khung cảnh nhộn nhịp tại các khu vực đấu giá, trong các giao dịch nhà đất.

Ngoài ra tại nhiều địa phương, lợi dụng thông tin chính quyền công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, triển khai đấu giá các khu đất có vị trí đắc địa hay khu đô thị mới... nhiều nhà đầu tư hoặc môi giới tung tin đồn, “thổi” giá để mua đi bán lại và lôi kéo người tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản. Trước thực trạng đó, một số địa phương đã ra văn bản về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản, nhưng vẫn còn rất nhiều những bất cập, tồn tại và để lại hệ quả khôn lường.

Tuy nhiên, bên cạnh việc công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì chính quyền các địa phương cũng cần công khai minh bạch các kế hoạch tổ chức đấu giá đất và kết quả trúng đấu giá, đồng thời tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra tình trạng tạo sốt đất “ảo”, thông thầu, bắt tay "ngầm" trong các cuộc đấu giá đất, đặc biệt những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trong các giao dịch bất động sản trên địa bàn. Có như vậy, thị trường bất động sản mới đảm bảo tính minh bạch và tạo được lòng tin đối với các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh và tránh thất thu ngân sách Nhà nước./.

Đọc thêm