Cao Bằng: Chuyển biến trong công tác hộ tịch

(PLVN) - Qua 3 năm thực hiện Luật Hộ tịch, Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng đã làm tốt công tác tham mưu và triển khai hiệu quả các biện pháp tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về hộ tịch được thực hiện nhanh chóng, khoa học, đáp ứng yêu cầu của người dân.
Lãnh đạo Sở Tư pháp làm việc tại xã Minh khai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng
Lãnh đạo Sở Tư pháp làm việc tại xã Minh khai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Sau khi Luật Hộ tịch có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch, các văn bản quy định chi tiết thi hành được các địa phương tiến hành đồng bộ. Công tác tuyên truyền được thực hiện dưới hình thức hội nghị, tài liệu tuyên truyền, tờ gấp trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay lồng ghép trong các đợt hỗ trợ nghiệp vụ tại cơ sở. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch, Sở Tư pháp triển khai việc đưa vào sử dụng phần mềm hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp trên địa bàn toàn tỉnh. Các huyện, Thành phố đầu tư máy vi tính, máy in, đường truyền Internet và các thiết bị cần thiết để cài đặt và sử dụng phần mềm hộ tịch.

Từ đầu năm 2018, phần mềm hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp được triển khai ở tất cả các xã, phường, thị trấn và phòng tư pháp các huyện, Thành phố. Từ khi phần mềm hộ tịch dùng chung được triển khai thực hiện đã đem lại hiệu quả rõ nét, đặc biệt trong công tác thống kê và quản lý hộ tịch. Trong đó, phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch đã tích hợp việc đăng ký khai sinh và cấp mã số định danh cá nhân cho công dân là một sự chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, đăng ký hộ tịch.

Nhằm nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng đã kết nối liên thông dữ liệu hộ tịch với cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo đảm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của người dân. Đối với những địa phương có sự thay đổi về địa danh hành chính do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, hướng dẫn cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã thực hiện.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh thực hiện đăng ký khai sinh 18.317 trường hợp; đăng ký khai tử 5.829 trường hợp; đăng ký kết hôn 5.829 trường hợp; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân 6.572 trường hợp; đăng ký nhận cha, mẹ, con 202 trường hợp; thay đổi, bổ sung, cải chính hộ tịch 464 trường hợp; xác định lại dân tộc 44 trường hợp; đối với các đề nghị xác minh giấy tờ hộ tịch, báo cáo hộ tịch của các cơ quan Trung ương và địa phương, luôn bảo đảm giải quyết công việc theo đúng thời hạn.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hứa Tân Hợi cho biết: Để Luật Hộ tịch thực sự phát huy hiệu quả tại cơ sở, thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch và các văn bản liên quan đến công tác hộ tịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ trong công tác đăng ký hộ tịch.

Tiếp tục triển khai kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn toàn tỉnh nhằm từng bước xây dựng và tạo lập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, bảo đảm triển khai áp dụng thống nhất, có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trên phạm vi toàn quốc và đồng bộ các thông tin cơ bản của cá nhân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Hộ tịch./.

Đọc thêm