Cặp đôi đồng giới nữ có được phép sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để sinh con hay không?

(PLVN) - Một bạn thính giả giấu tên gửi câu hỏi về chương trình với nội dung: Chúng tôi là cặp đôi đồng giới nữ, đã tổ chức đám cưới và về sống chung 1 nhà. Trong thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ có con bằng cách sử dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản. Xin hỏi điều này có được phép hay không?

Quý vị đang nghe Giải đáp Pháp luật trên Radio Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam.

Về vấn đề sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở cặp đôi đồng giới nữ, một bạn thính giả giấu tên gửi câu hỏi về chương trình với nội dung như sau: “Chúng tôi là cặp đôi đồng giới nữ, đã tổ chức đám cưới và về sống chung 1 nhà. Trong thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ có con bằng cách sử dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản. Xin hỏi điều này có được phép hay không?”

Về vấn đề này, luật sư Lường Đức Quân trả lời:

Theo Khoản 2, Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có nêu rõ: Nhà nước không thừa nhận những người kết hôn cùng giới tính, vì vậy dưới góc độ pháp luật, cặp đôi đồng giới đó sẽ vẫn được coi là những người độc thân. Người độc thân có quyền sinh con bằng việc sử dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản. Theo Khoản 21, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Nói cách khác đó là việc sử dụng biện pháp kỹ thuật y học hiện đại để can thiệp vào quá trình thụ thai của người phụ nữ với mục đích giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh hoặc phụ nữ độc thân có thể mang thai và có đứa con như họ mong muốn.

Và sau khi sinh con ra, bước tiếp theo đó là xác định mẹ cho đứa bé. Theo Khoản 2, Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định: Trong trường hợp người phụ nữ độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra. Người phụ nữ độc thân được xác định là mẹ của đứa trẻ trong mọi trường hợp, kể cả khi người mẹ này nhận tinh trùng và phôi của người khác. Giữa đứa trẻ với người cho tinh trùng, cho phôi không có quan hệ cha mẹ - con vì đơn giản trong trường hợp này, chỉ phát sinh quan hệ mẹ chứ không tồn tại quan hệ cha - con.

Trong trường hợp người phụ nữ còn lại muốn trở thành mẹ của đứa trẻ, người này có thể cân nhắc thực hiện thủ tục nhận con nuôi. Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi, một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

Thêm vào đó, theo quy định tại Điều 14, Luật Nuôi con nuôi, người nhận nuôi con nuôi cần phải: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở đảm bảo việc chăm sóc con, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi và có tư cách đạo đức tốt.

Như vậy, một cặp đôi đồng giới nữ có thể có con chung thông qua việc để một trong hai sử dụng các kĩ hỗ trợ sinh sản và người còn lại thực hiện thủ tục nhận con nuôi. Xét về mặt pháp lý, đứa trẻ có hai người mẹ, mẹ đẻ và mẹ nuôi, mối quan hệ này không được coi là cặp đôi có 1 đứa con.

Đọc thêm