“Cất giùm” tiền thưởng người dân, cán bộ xã phạm tội gì?

Năm 2007, trên địa bàn thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang có khoảng 45 đối tượng có công được UBND tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kèm theo tiền thưởng. Thế nhưng, sau khi đại diện các xã, phường nhận về thì chỉ trao đến tay bà con hơn 50%, số còn lại cán bộ xã… “cất giùm”. 
Năm 2007, trên địa bàn thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang có khoảng 45 đối tượng có công được UBND tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kèm theo tiền thưởng. Thế nhưng, sau khi đại diện các xã, phường nhận về thì chỉ trao đến tay bà con hơn 50%, số còn lại cán bộ xã… “cất giùm”. 
Hình minh họa
“Quên” phát bằng khen và tiền thưởng
Chuyện xảy ra ở xã Đại Thành, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định tặng bằng khen cho 21 đối tượng, kèm theo tiền thưởng 300.000 đồng/bằng khen. Sau khi nhận về vào năm 2008, cán bộ UBND xã đã phát 9 bằng khen, còn bao nhiêu thì ém lại không trao…
Đến tháng 7/2012, Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Ngã Bảy đã tiến hành kiểm tra 6 xã, phường trên địa bàn về công tác cấp phát bằng khen cho người dân thì phát hiện sự việc trên. Lúc này, ông Ngô Văn Trề, cán bộ xã trực tiếp nhận bằng khen về cấp phát lại giải thích: Đó là do lúc nhận bằng chưa có khuôn (khung để bằng khen – PV) nên chỉ giao một số, số còn lại thì… chờ có khuôn mới phát. Ông nhìn nhận việc này là sai. 
Ông Phạm Văn Tám, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Lợi, cho biết: “Năm 2012, xã đề nghị Hội đồng thi đua Thị xã xem xét lại các hộ dân được xã bình chọn khen thưởng phong trào vào năm 2009 mà chưa được khen . Kiểm tra lại thì mới phát hiện cán bộ này sai sót. Hiện nay, xã đã khắc phục thiếu sót với dân, Chi bộ đã họp và cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền đối với cán bộ trên”. 

Bà Ngô Thị Thể, trú ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tặng bằng khen vì đã có thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào tháng 12/2007, nhưng mãi đến tháng 9/2012 mới nhận được bằng và tiền.

Bà cho biết: “Khi nhận được tấm bằng này, tôi mừng lắm”. Tuy nhiên, bà và nhiều người khác sẽ không khỏi thắc mắc tại sao khi được tặng thưởng cách đây 5 năm mà bây giờ mới… nhận được?.

Về vấn đề này, ông Dương Hoàng Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, thừa nhận: “Do cán bộ lãnh đạo xã thời điểm đó không kiểm tra sát sao nên không phát hiện kịp thời. Số bằng khen còn lại đến nay đã được cấp phát, lãnh đạo xã cũng đã tổ chức cuộc họp công khai xin lỗi người dân.

Mặc dù bà con không khiếu nại, phản ánh gì, nhưng cán bộ trực tiếp làm sai đã nhận hình thức kỷ luật”. Còn tại xã Tân Thành, cán bộ phụ trách văn hóa xã hội (là Đảng ủy viên) cũng nhận 14 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cấp cho những người có công trên địa bàn, nhưng chỉ phát 5 bằng, số còn lại cũng bị cán bộ xã “ém” lại 9 bằng khen. Đến tháng 5/2012, khi bị phát hiện mới chịu khắc phục.

Năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng tặng 15 bằng khen cho nhân dân trên địa bàn thị xã Ngã Bảy về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, mỗi bằng khen được thưởng 300.000 đồng, nhưng các xã, phường “cất giùm dân” 10 tấm bằng. Sau khi bị phanh phui, có đơn vị đã khắc phục, nhưng cũng có đơn vị làm mất luôn bằng khen.
Cụ thể, xã Hiệp Lợi làm thủ tục đề nghị khen thưởng cho 5 hộ dân, sau đó ông Nguyễn Văn Toàn, cán bộ Văn phòng thống kê - UBND xã nhận bằng khen và tiền thưởng từ tỉnh về nhưng “quên” phát cho người được nhận. Khi phát hiện, thì ông Toàn biện hộ rằng, thời điểm nhận bằng khen vào cuối năm 2010 và chuẩn bị ra mắt xã văn hóa, nên để chậm lại phát cho dân. 
Bà Nguyễn Thị Lan, ở ấp xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi, là một trong 5 hộ thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng ở địa phương và gia đình gương mẫu, lo làm ăn… được chính quyền địa phương bầu chọn đề nghị khen thưởng trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2009, nhưng đến nay mới nhận được bằng khen là một ví dụ.
Còn phường Lái Hiếu có 5 hộ dân được khen thưởng cũng về nội dung trên, nhưng khi cán bộ phường nhận về, “quên” cấp cho dân, đến nay làm mất luôn bằng khen của dân… 
Xâm phạm tài sản Nhà nước?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Ngọc Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng cần phải làm rõ những số tiền thưởng chưa trao tặng  đang ở đâu vào thời điểm vụ việc bị phát hiện, nếu vẫn đang được giữ trong công quỹ của xã thì tội phạm chưa xảy ra và trách nhiệm của các cán bộ xã liên quan sẽ được xử lý theo các quy định về hành chính và lao động.
Khi số tiền thưởng chưa được người có công với cách mạng nhận thì đối với họ, chính quyền địa phương vẫn phải có trách nhiệm trao tặng, hay nói cách khác là họ không bị mất số tiền này. Bởi quyền lợi của những người này đã bị ảnh hưởng do sự chậm trễ, hơn nữa họ (người được tặng thưởng) không biết mình được thưởng, không được thông báo nhưng không vì thế mà họ bị mất số tiền thưởng hợp pháp . 

Ông Võ Văn Tánh, Phó Bí thư Thị ủy Ngã Bảy, cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, những cán bộ, đảng viên sai phạm đã được Thị ủy xử lý kịp thời, cụ thể: đã cách chức một  ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy phường, cảnh cáo một đảng ủy viên và khai trừ ra khỏi đảng một cán bộ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, thông báo, nhắc nhở, nếu tiếp tục phát hiện những cán bộ đảng viên có sai phạm tương tự sẽ xử lý nghiêm”.

Theo Luật sư Hải, trong trường hợp bằng cách nào đó, người cán bộ xã đã rút số tiền thưởng ra khỏi công qũy nhưng không giao cho người được tặng thưởng thì số tiền bị chiếm đoạt vẫn là tiền thuộc công qũy chứ không thuộc sở hữu của người được tặng thưởng và hành vi của cán bộ xã đã xâm phạm tài sản của Nhà nước.

Nếu tổng số tiền bị chiếm đoạt là trên hai triệu đồng thì có dấu hiệu của tội tham ô tài sản, không phụ thuộc vào việc sau đó số tiền có được hoàn trả vào công qũy hay không.

Trường hợp số tiền dưới 500.000 đồng nhưng việc chiếm đoạt này gây hậu quả nghiêm trọng, cán bộ xã này đã bị xử lý kỷ luật về hành vi chiếm đoạt tiền công qũy mà nay tiếp tục vi phạm hay đã bị kết án về các tội tham nhũng nhưng chưa được xoá án tích thì cũng có thể bị xử lý về tội tham ô tài sản, quy định tại Điều 278 BLHS. 

Luật sư Phan Hồng Việt, Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ về vấn đề này như sau: Trên tinh thần “lấy dân làm gốc” thì cần đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu. Tức là, đối với những người bị thất lạc bằng khen thì chính quyền phải bằng mọi cách khôi phục lại để bảo đảm quyền lợi về chính trị cho họ; Nếu không cấp lại được thì cũng cần có xác nhận là họ đã được khen thưởng.
Còn đối với những người đến nay mới được nhận bằng khen, mà trong thời gian qua nếu chính quyền có chế độ, chính sách đãi ngộ gì đó liên quan đến việc khen thưởng thì cũng phải xem xét khôi phục, hỗ trợ lại cho họ một cách thỏa đáng.
Do chưa có căn cứ cho thấy cán bộ xã có biểu hiện tư túi, “ém nhẹm” tiền thưởng của dân để chi tiêu riêng; cũng như nhũng nhiễu, gây áp lực cho người dân thì việc xử lý về mặt Đảng đối với họ như vậy cũng có thể chấp nhận được.
Đối với địa phương, để xảy ra những vụ việc không hay như trên cũng nên nhận một phần trách nhiệm; như vậy vừa thể hiện tinh thần sửa sai trước người dân, vừa góp phần nâng cao uy tín của chính quyền.

Sông Ngân – Đăng Đạt

Đọc thêm