Câu chuyện bảo hiểm y tế khi đồng bào 'lên vùng'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, năm 2020 có trên 172.000 người mắc và 10.400 người chết vì bệnh lao tại Việt Nam…
Chị Rơ Ô H’Hóp trong một buổi truyền thông về bệnh lao.
Chị Rơ Ô H’Hóp trong một buổi truyền thông về bệnh lao.

“Khoảng trống” thẻ bảo hiểm y tế khi lên “ vùng hai”

Chị Nguyễn Thị T. sinh năm 2000, quê ở Chư Prong, Gia Lai. Gia đình chị T. rất khó khăn, bố phải chạy thận, nên chị phải lên thành phố Đà Nẵng làm việc và hàng tháng gửi tiền về phụ giúp gia đình. Đi khám sau một thời gian ho dài và sụt cân, chị T. nhận được kết quả mắc lao kháng thuốc.

Thời điểm đó, chị T. không có bảo hiểm y tế (BHYT). Chị e dè về chi phí điều trị quá lớn, gia đình lại rất khó khăn, nhưng vì bệnh nặng nên không thể trì hoãn. Sau khi phát hiện bệnh, chị mới mua BHYT. Vì BHYT mới nên chưa có hiệu lực, chị phải tạm ứng tại bệnh viện 2 triệu đồng, chưa kể tiền ăn uống, bồi dưỡng thêm để cơ thể chịu đựng được liệu trình điều trị lao kháng thuốc khắc nghiệt.

Mặc dù các khoản điều trị nội trú được Chương trình chống lao Quốc gia chi trả, nhưng chị T. vẫn phải tự trang trải các chi phí gián tiếp như xét nghiệm, truyền dịch, đi lại, bổ sung dinh dưỡng,... Đặc biệt, do phác đồ điều trị thiếu một loại thuốc, chị T. phải mua ngoài với chi phí 700.000 đồng mỗi tháng. Hoàn cảnh khó khăn gấp bội vì chị T. mất toàn bộ thu nhập khi phải nghỉ làm để điều trị bệnh.

Tại tỉnh Gia Lai, bình quân mỗi năm phát hiện khoảng 650 bệnh nhân mắc lao các thể, trong đó có trên 400 bệnh nhân lao phổi. Giai đoạn 2021 - 2025, cả nước chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới, nhiều xã ở Gia Lai không còn được xếp vào “vùng ba” - xã đặc biệt khó khăn. Theo chính sách của Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã này được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, một trong số đó là bao cấp thẻ BHYT. Nhưng một khi đã chuyển thành xã “vùng hai”, chính sách này không còn được áp dụng nữa, tạo nên những khoảng trống trong bao phủ thẻ BHYT tại khu vực này.

Chị Rơ Ô H’Hóp tại xã Ia Mlah, huyện Krong Pa, Gia Lai là một người luôn tham gia nhiệt tình và năng nổ trong các hoạt động hỗ trợ phòng, chống lao tại địa phương. Buôn thôn chị ở nằm trong vùng “nông thôn mới”, nên kể từ năm 2022, trừ những người cao tuổi, gia đình thuộc hộ nghèo, người được hưởng chính sách, đa phần người dân ở đây đều không có thẻ BHYT. Người dân ở đây đã quen với việc được Nhà nước hỗ trợ BHYT bao nhiêu năm nay, nên khi không còn được bao cấp, không ít người chưa nắm được thông tin này. Có những người chỉ biết được điều đó khi đi khám bệnh. Và đa số họ không nắm được việc mình cần làm gì để mua BHYT và cách sử dụng ra sao?

Người dân ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số và còn nhiều hộ gặp khó khăn. Nếu không trong diện được hỗ trợ, với khoản thu nhập eo hẹp, chủ yếu cố gắng lo cơm ăn hằng ngày, nhiều người không có kinh phí cho chăm sóc y tế. Họ không đủ tiền để mua BHYT cho bản thân, chưa nói đến cho cả gia đình. “Người dân ở đây vẫn giữ thói quen là khi nào có bệnh rồi mới cần BHYT, nhưng khi cần mới mua thì không kịp nữa rồi”, chị Hóp chia sẻ, “đặc biệt là những người phát hiện lao cần nhập viện ngay và luôn, nhưng việc không có thẻ BHYT khiến họ chậm trễ trong quá trình điều trị nếu không có sự hỗ trợ”.

Ngay cả khi bệnh nhân bắt đầu mua BHYT lúc vừa phát hiện mắc lao, cũng sẽ phải tự chi trả chi phí điều trị, thuốc men trong thời gian đợi thẻ có hiệu lực, đó cũng là một chi phí không nhỏ với các gia đình khó khăn.

Thông qua các hoạt động sàng lọc lao chủ động thực hiện tại Gia Lai, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) phát hiện ra nhiều người có dấu hiệu bất thường nghi lao. Nhưng trong số đó, khoảng 1/3 bệnh nhân chưa có thẻ BHYT để khám và điều trị bệnh.

Chị Trịnh Thị Thu Hương, chuyên viên phụ trách chương trình sàng lọc lao cộng đồng tại Gia Lai, thuộc SCDI cho biết, qua công tác sàng lọc lao trong cộng đồng cho thấy nguồn lây trong cộng đồng còn nhiều, bệnh nhân lao kháng thuốc vẫn còn là vấn đề khó khăn trong công tác phòng, chống lao tại tỉnh Gia Lai. Bệnh lao là bệnh phải điều trị lâu dài, nếu không có thẻ BHYT thì họ phải trả chi phí điều trị cả chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng với bệnh lao kháng thuốc.

Mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 còn khó khăn

Dù đạt được nhiều thành tựu, song công tác phòng, chống bệnh lao tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Hiện tại, 12/63 tỉnh, thành phố chưa có bệnh viện lao và bệnh phổi, dẫn đến thiếu nhân sự chuyên trách để triển khai các can thiệp phòng, chống lao. Trong khi đó, mô hình y tế tuyến huyện chưa đồng nhất tại 63 địa phương gây ra các khó khăn khi cung cấp các dịch vụ khám bệnh lao từ BHYT.

Nguồn kinh phí viện trợ quốc tế cho hoạt động phòng, chống lao có xu hướng giảm dần trong khi ngân sách địa phương cho hoạt động này còn hạn chế. Nhận thức của người dân về bệnh lao đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn chưa đầy đủ. Còn tồn tại sự kỳ thị hướng đến người mắc lao trong cộng đồng, tạo nên rào cản vô hình trong việc tìm kiếm và tiếp cận dịch vụ dự phòng và điều trị bệnh lao.

Bên cạnh đó, dù có những hỗ trợ quan trọng thể hiện sự nỗ lực vượt bậc hướng đến bệnh nhân lao. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều cơ chế hỗ trợ đối với người bệnh chưa có thẻ BHYT.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Quản lý Chương trình Sức khỏe và An sinh thuộc SCDI nhận định: “Ngoài chi phí liên quan đến y tế, người bệnh lao đối mặt với áp lực kinh tế và nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói vì phải nghỉ làm/mất việc trong quá trình điều trị, cộng thêm các chi phí gián tiếp liên quan khác như bổ sung dinh dưỡng, di chuyển khám bệnh định kỳ,... Nếu không tăng cường hỗ trợ, gánh nặng về chi phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận và tuân thủ điều trị của người bệnh”.

Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Điều đáng nói là, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, phần lớn là người nghèo, điều này cũng đồng nghĩa với muôn vàn khó khăn, thách thức để có thể loại trừ căn bệnh này khỏi cộng đồng.

Để đạt hiệu quả, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về phát hiện sớm, không kỳ thị, và tuân thủ điều trị. Đặc biệt, việc đảm bảo 100% bệnh nhân lao được hỗ trợ BHYT, tập trung vào những người có nguy cơ cao mắc lao nhưng gặp rào cản trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, là yếu tố quan trọng để tăng tỷ lệ phát hiện và điều trị thành công.

Bằng cách lồng ghép chính sách an sinh xã hội và tăng cường nguồn lực hỗ trợ, hướng tới đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) trong dự phòng và điều trị bệnh lao, Việt Nam có thể tiến gần hơn đến mục tiêu loại trừ bệnh lao khỏi cộng đồng và chấm dứt căn bệnh này vào năm 2035.

Bệnh lao có thời gian điều trị từ 6 - 9 tháng, thậm chí lên tới hai năm nếu là lao kháng thuốc, gây ra áp lực kinh tế nặng nề cho nhiều bệnh nhân và gia đình. Bệnh lao tạo nên gánh nặng kép - không chỉ ảnh hưởng về sức khỏe, người bệnh và gia đình của họ đối mặt với áp lực về kinh tế cùng mối lo thường trực như giảm thu nhập, rơi vào tình trạng nghèo đói do bệnh tật. Nguy hiểm nhất trong việc phát hiện và điều trị lao là nhiều bệnh nhân giấu bệnh và một trong những nguyên nhân dẫn tới điều này là vì sợ phải đối mặt với chi phí lớn trong điều trị lao dài ngày.

Điều kiện vệ sinh kém là một trong những nguyên nhân chính khiến vi khuẩn lao dễ dàng lây lan. Những khu vực chật chội, ẩm thấp, dân cư đông đúc và hệ thống thông gió không đảm bảo là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đối với những người vô gia cư hoặc không có chỗ ở ổn định, các yếu tố như thiếu dinh dưỡng và sức đề kháng suy giảm cũng làm tăng nguy cơ mắc và phát bệnh lao.

Với nhóm dân số sống tại các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, các khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế như không có phương tiện đi lại, khoảng cách di chuyển tới cơ sở y tế, rào cản ngôn ngữ và văn hóa đối với các dân tộc thiểu số cũng khiến nhiều bệnh nhân không thể khám hoặc điều trị kịp thời. Không có đủ thông tin về bệnh và các chính sách hỗ trợ gia tăng khoảng cách trong tham gia điều trị khi người mắc bệnh là trụ cột lao động trong gia đình, tạo ra những e ngại về phải dừng làm việc trong quá trình điều trị hoặc chi phí chữa bệnh nằm ngoài khả năng chi trả.

Tất cả những yếu tố này không chỉ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh mà còn tạo ra vòng xoáy nghèo đói và bệnh tật, đẩy các gia đình vào tình trạng khó khăn hơn. Tác động kinh tế của bệnh lao thể hiện rõ qua những con số đáng lo ngại: 26% bệnh nhân phải ngừng làm việc trên 6 tháng do sức khỏe suy giảm, 5% buộc phải bán tài sản để trang trải viện phí và 17% phải vay nợ để tiếp tục điều trị, trong khi thu nhập trung bình của họ giảm đến 25%.

Tuyên truyền về thẻ BHYT cho bà con. (Ảnh trong bài: SCDI)

Tuyên truyền về thẻ BHYT cho bà con. (Ảnh trong bài: SCDI)

Những chính sách hỗ trợ thiết thực không chỉ là giải pháp y tế mà còn góp phần đảm bảo sự ổn định cho những gia đình chịu ảnh hưởng bởi bệnh lao, tạo tiền đề cho sự hồi phục toàn diện cả về sức khỏe và đời sống kinh tế. Chính sách BHYT chi trả chi phí điều trị bệnh lao được đánh giá là bước đi nhân văn, giúp giảm gánh nặng tài chính và đảm bảo quá trình điều trị không bị gián đoạn. Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ y tế, việc triển khai các chương trình hỗ trợ xã hội cũng là yếu tố quan trọng, giúp bệnh nhân lao và gia đình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Đối tượng cần ưu tiên hỗ trợ bao gồm những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gặp trở ngại về giấy tờ tùy thân, thiếu thẻ BHYT, sống tại các khu vực xa xôi hoặc gặp rào cản về ngôn ngữ, văn hóa. Những hỗ trợ này không chỉ tạo điều kiện để người bệnh tiếp cận điều trị mà còn khuyến khích họ tuân thủ liệu trình, giảm nguy cơ lây lan và tái phát bệnh.

Bên cạnh đó, việc lồng ghép các chính sách an sinh xã hội vào chương trình phòng, chống bệnh lao được xem là giải pháp dài hạn, không chỉ giúp bệnh nhân giảm gánh nặng kinh tế mà còn ổn định cuộc sống, hướng đến mục tiêu loại trừ bệnh lao trong cộng đồng.

Đọc thêm