Câu chuyện “con gà, quả trứng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở. Tuy nhiên, việc triển khai môn học tích hợp theo kiểu chắp vá khiến cho thầy - trò đều vất vả và áp lực. Hiện Bộ GD&ĐT đang cân nhắc có nên quay về dạy đơn môn hay vẫn kiên trì đổi mới chương trình.
Dạy và học tích hợp sau hai năm vẫn lúng túng, (Ảnh minh họa nguồn Internet)
Dạy và học tích hợp sau hai năm vẫn lúng túng, (Ảnh minh họa nguồn Internet)

Vẫn một môn… nhiều giáo viên

Chương trình sách giáo khoa mới được kỳ vọng giảm tải với các môn tích hợp. Thế nhưng, sách giáo khoa chương trình 2018 được ghép 2 - 3 môn học độc lập của chương 2006 vào 1 sách. Thậm chí, môn Nội dung giáo dục địa phương có tới 6 phân môn khác nhau, đồng nghĩa với 1 môn học 2 - 6 thầy cô. Theo chương trình này, một giáo viên (GV) có thể dạy tất cả các phân môn.

Thực tế, mỗi GV vẫn đang dạy theo từng phân môn riêng biệt, sách giáo khoa cũng sắp xếp theo từng phần riêng lẻ. Hay với môn Nghệ thuật gồm 2 phân môn, đó là Âm nhạc; Mĩ thuật. Hai phân môn này được viết thành 2 cuốn sách giáo khoa riêng, bố trí GV dạy riêng biệt nhưng khi kiểm tra, nhập điểm, vào học bạ lại chung thành môn Nghệ thuật. Vì thế, những sự việc tréo ngoe này khiến cho việc giảng dạy, kiểm tra, vào điểm, nhận xét môn học rối rắm, chắp vá không theo một trình tự khoa học nào.

Anh Hoàng Hải, một phụ huynh có hai con học lớp 2 và lớp 6 tại Hà Nội băn khoăn: “Tôi thấy bất cập nhất là chương trình thì tích hợp, khi dạy lại bóc tách từng môn. Tôi có hai cháu học lớp 6 và lớp 2. Tôi thấy chương trình cải cách lớp 6 và lớp 2 chưa phù hợp. Đặc biệt là chương trình lớp 2 quá nặng, nhiều môn học mà với lứa tuổi của các em việc tiếp thu rất khó. Mỗi ngày cô gửi 3 loại bài tập cho bé làm, dạy cho bé mà stress luôn vì không biết dạy như thế nào cho bé hiểu. Cứ nói giảm tải nhưng không hiểu giảm tải kiểu gì vậy?!”.

Cô giáo Thùy Dung, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Sinh học về dạy học tại trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội và có thâm niên hơn 10 năm giảng dạy môn Sinh học. Kể từ khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức áp dụng với bậc THCS, xuất hiện các môn học tích hợp: Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên. Cô Dung cùng các đồng nghiệp đã tham gia khoá học bồi dưỡng và hoàn thành chứng chỉ Khoa học tự nhiên. Dù vậy, cô Dung nhận thấy, bản thân vẫn chưa đủ tự tin để đứng lớp, trả lời những câu hỏi, vấn đề khó mà học sinh đưa ra. “Việc tập huấn chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hạn, thường là từ 3 - 6 tháng. Trong khi trước đây, chúng tôi được đào tạo 4 năm ở trường sư phạm chỉ chuyên về 1 môn học. Đáng lẽ, cần phải đào tạo GV dạy Khoa học Tự nhiên trước khi triển khai chương trình mới” - cô Dung nói. Không riêng học trò khó khăn khi tiếp cận chương trình mới, mà bản thân GV cũng phải mày mò, tìm hiểu và tự nâng cao trình độ chuyên môn. Điều cô Dung lo lắng nhất là càng lên lớp cao, lượng kiến thức chuyên sâu, GV khó có thể giúp học sinh hiểu sâu kiến thức, đặc biệt là những phần nâng cao.

Một GV dạy môn Vật lý tại một trường THCS ở Hà Nội, được giao dạy Khoa học Tự nhiên lớp 7, chia sẻ: Việc GV đơn môn phải dạy tích hợp hiện đã tạo ra nhiều khó khăn. Dù đã được tập huấn theo chương trình gồm 36 tín chỉ của Bộ GD&ĐT, cô giáo 15 năm kinh nghiệm này đánh giá “vẫn không ăn thua”. Chương trình Hóa, Sinh lớp 7 chủ yếu vẫn ở mức nhận biết, thông hiểu, nhưng trình độ của GV không thể dừng lại ở mức này. Một lần nói sai thì còn xin lỗi trò, nhưng không thể cứ mắc lỗi nhiều lần. Vì thế mà tập huấn xong cô vẫn thấy không đủ. Hơn nữa, khối lượng công việc cô Mai phải giải quyết nhiều gấp ba lần.

Không ít ý kiến cho rằng, GV lâu năm cũng thế, họ chuyên sâu về 1 môn bấy lâu nay, giờ thêm môn khác gần như là học lại từ đầu, từ cơ bản đến nâng cao mà khả năng học chưa chắc bằng học sinh thì làm sao có thể bảo đảm được chất lượng? Thiết nghĩ, lộ trình đổi mới sách giáo khoa, thì phải đổi mới bồi dưỡng tích hợp cho GV từ 5 năm trước để giờ không bị lúng túng về con người.

Trong báo cáo thiếu GV, nhiều địa phương nhắc đến GV dạy môn tích hợp theo chương trình mới. Năm 2019, Đại học Sư phạm 2 được thí điểm tuyển 50 sinh viên ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên nhưng không có thí sinh nào nhập học. Trường cũng dừng tuyển sinh ngành này từ năm 2020.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc tuyển sinh Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý còn khó khăn do đây là hai ngành mới, ít người biết. Trường này bắt đầu tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên từ năm 2019, chỉ tiêu 80. Một năm sau, Trường mở ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, chỉ tiêu 60. Số thí sinh đăng ký, điểm chuẩn của hai ngành này có xu hướng tăng từ đó tới nay. Tuy nhiên, phải đến 2023, lứa sinh viên Sư phạm Khoa học Tự nhiên đầu tiên mới tốt nghiệp, số lượng vài chục người, như “muối bỏ bể” với số lượng GV cả nước đang cần. Do đó, PGS.TS Nguyễn Chí Thành cho rằng cần ưu tiên bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ GV Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa sẵn có.

Ngổn ngang khó

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nêu những khó khăn về các môn học tích hợp: “Bộ cũng nhận thấy việc triển khai môn tích hợp là một thách thức lớn đang đặt ra và cho rằng môn tích hợp là câu chuyện “quả trứng và con gà”.

Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội yêu cầu phải tích hợp một số môn học ở cấp trung học cơ sở. Nếu chương trình không thiết kế môn tích hợp thì các trường sư phạm không có căn cứ để đào tạo GV dạy tích hợp. Khi bắt đầu thực hiện thì phải dùng đội ngũ GV cũ, tập huấn dần để chuyển đổi chứ không thể đợi đến 4 năm đào tạo GV dạy tích hợp ra trường rồi mới thực hiện chương trình mới.

Do vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tích hợp trước mắt sẽ có hai con đường: Một là, quay về như cũ thành các đơn môn, con đường thứ hai là vẫn kiên trì đổi mới và sẽ tính toán một lộ trình đến một năm nào đó GV cũ được tập huấn đầy đủ các điều kiện bảo đảm và sẽ hoàn tất. Phải xem đây là vấn đề chuyên môn và cần quá trình triển khai chứ không phải đặt ra yêu cầu về thời gian, tháng mấy phải làm xong vấn đề này.

Như vậy, lãnh đạo Bộ cũng đã nhìn ra những khó khăn ở cơ sở khi mà các nhà trường đang giảng dạy các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở. Tuy nhiên, dừng lại hay tiếp tục trong lúc này đối với các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở cũng là một thách thức không hề nhỏ đối với toàn ngành. Nếu tiếp tục đổi mới thì cách thức thực hiện sẽ ra sao để hiệu quả? Chẳng lẽ vẫn để GV phân môn nào, phân môn đó dạy? Một môn học mà 2 - 3 GV dạy, thậm chí môn Nội dung giáo dục địa phương đang có tới 6 GV giảng dạy/35 tiết/năm học thì làm sao có thể mang lại hiệu quả? Nếu tiếp tục dạy các môn học tích hợp như chương trình tổng thể; chương trình môn học đã ban hành thì bao giờ các địa phương bồi dưỡng xong GV để về giảng dạy 2 môn học: Khoa học Tự nhiên; Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở? Còn phương án quay về như cũ thành các đơn môn thì lượng GV mà các trường sư phạm đã mở ngành đào tạo sinh viên trong mấy năm qua sẽ như thế nào? Một số GV Lịch sử, Địa lí, Hóa học, Sinh học, Vật lí đã được trường cử đi bồi dưỡng để có chứng chỉ trong 2 năm học vừa qua sẽ xử lý thế nào?

Có thể thấy, với tình hình hiện nay dù “quay về như cũ thành các đơn môn; hoặc vẫn kiên trì đổi mới” thì các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn gây ra những xáo trộn và lãng phí lớn cho ngành GD&ĐT. Nếu tiếp tục, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ để đưa ra những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn và nhanh chóng bồi dưỡng đội ngũ GV dạy các môn học tích hợp một cách khoa học, hiệu quả. Vì thế, Bộ GD&ĐT hãy chọn phương án nào có lợi nhất cho ngành, cho học sinh, cho tương lai là cách lựa chọn phù hợp nhất cho các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở.

“Người GV trực tiếp đứng lớp rất vất vả và điều đặc biệt về cơ sở vật chất là chưa đầu tư đều cho các trường học, thiết bị cũ và hỏng không được bổ sung kịp thời. Cho nên muốn đáp ứng được việc dạy học tích hợp thì phải làm đồng bộ từ đào tạo con người đến mua trang thiết bị cho việc đổi mới giáo dục”, chị Thu Hà (Hà Nội)

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất và việc dạy học môn tích hợp. GV còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài liệu tham khảo để ứng dụng trong quá trình soạn giáo án, lên lớp. Chúng tôi đã phải cố gắng làm sao để thực hiện theo đúng tiêu chí, mục tiêu của môn học tích hợp. Chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều buổi tập huấn hơn nữa, để nâng cao chuyên môn, tự tin đứng lớp”, cô giáo Nguyễn Thị Hiền (Hà Nội).

Đọc thêm