Học sinh thành thị, nông thôn, miền núi đều có thể học mọi lúc, mọi nơi
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiếng Anh trong bối cảnh toàn cầu hóa, tại lễ ra mắt nền tảng học tiếng Anh cùng AI. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiếng Anh trong bối cảnh toàn cầu hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ông đánh giá nền tảng FSEL ra đời là một bước tiến quan trọng không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự học, tự nâng cao kỹ năng. Không chỉ FSEL, với những nền tảng học ngoại ngữ chất lượng, tốn ít chi phí, đạt hiệu quả cao cho người học thì đều cần được cổ vũ phát triển để chắp cánh cho bạn trẻ trở thành những công dân toàn cầu.
Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ không chỉ giúp người học tiếp cận tri thức mới, mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động. Tại cuộc họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo vừa qua, cũng trong Chương trình hành động của Chính phủ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện ký kết để đưa tiếng Anh từng bước trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong giáo dục quốc gia của Việt Nam. Ông Vũ Thanh Mai kỳ vọng, sự ra đời của nền tảng FSEL sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc dạy và học tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung. Đồng thời, giúp tất cả học sinh từ thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa hay điều kiện kinh tế khó khăn thuận lợi tiếp cận chương trình đào tạo ngoại ngữ chất lượng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan - Chủ tịch Tập đoàn Atlantic, nhà sáng lập nền tảng FSEL cho biết, FSEL hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm tiếng Anh bỏ túi mà bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào cũng đều có thể học được.
Nền tảng trực tuyến này sử dụng giáo trình chuẩn Cambridge giúp học sinh phát triển 6 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, từ vựng, ngữ pháp có thể thay thế chương trình học tại trung tâm với chi phí chỉ 10.000 đồng/ngày. Các bài học được thiết kế mang tính tương tác cao gồm 3 phần chính: bài giảng video tương tác 1:1 với giáo viên nước ngoài, diễn đàn học tập tương tác 1:1 cùng AI, bài tập về nhà.
Nền tảng này tích hợp thêm những công nghệ tiên tiến như AI Chatbot, chấm chữa bằng AI giúp tăng hiệu quả học tập, đặc biệt có hình thức tặng xu thưởng để tích lũy đổi thành quà tặng hay các vật phẩm hấp dẫn mang tính giải trí, giáo dục cao.
|
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Chủ tịch Tập đoàn Atlantic, nhà sáng lập nền tảng FSEL. (Ảnh: PV) |
Tháng 4/2024, FSEL nhận giải Sao Khuê cho hạng mục “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Trước khi triển khai rộng rãi trên toàn quốc, nền tảng học ngoại ngữ FSEL đã được Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia của Bộ GD&ĐT thẩm định, đánh giá.
Ban Quản lý Đề án đánh giá FSEL cung cấp một nền tảng học tập đa dạng và phong phú, đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho các kỳ thi học thuật phù hợp với học sinh Việt Nam ở từng độ tuổi định hướng học, thi IELTS, du học và xin học bổng, đồng thời hỗ trợ việc học tiếng Anh tại nhà trường theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Hiện tại, người dùng có thể dùng thử hoàn toàn miễn phí tất cả tính năng, nội dung trên nền tảng này.
FSEL chính thức bắt đầu hành trình kiến tạo vũ trụ học ngoại ngữ từ năm 2020. Sau hơn 4 năm nghiên cứu và phát triển, FSEL triển khai trên toàn quốc với phiên bản hoàn hảo nhất cho người học không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Chị Ngọc Lan khẳng định, FSEL không phải một phần mềm công nghệ chạy theo trend kiểu “nhà nhà làm app, người người làm app”. Bên cạnh đó là học bổng dành học sinh tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập tại 22 tỉnh, thành trên toàn quốc, đặc biệt là tại các địa bàn khó khăn. Theo đó, 100 học sinh được lựa chọn từ mỗi tỉnh sẽ được hỗ trợ học bổng miễn phí 100% để học tiếng Anh trên FSEL với tổng giá trị quỹ học bổng trên 10 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 21/10, FSEL và Quỹ Tấm lòng Việt phối hợp cùng Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đã trao tặng 100 suất học bổng cho 100 em học sinh tại Trường Trung học cơ Lương Sơn và Trung học cơ sở Thị trấn II (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Học bổng nhằm khuyến khích tinh thần học tập môn tiếng Anh và tạo điều kiện học tập tốt nhất để các em theo học chương trình ngoại ngữ chuẩn quốc tế.
Trong tương lai gần, FSEL sẽ tập trung cho ra mắt các chương trình tiếng Anh cho học sinh tiểu học, sinh viên đại học để hoàn thiện lộ trình học tiếng Anh cho trẻ từ 6 tuổi trở lên. Đồng thời từ năm 2025, FSEL mở rộng đào tạo thêm các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh như tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Đức, Tây Ban Nha… đặc biệt là tiếng Việt, góp phần hiện thực hoá mục tiêu “Giáo dục Việt cho tương lai Việt” của Tập đoàn Atlantic, Chủ tịch Tập đoàn Atlantic chia sẻ thêm.
Kết hợp chuyên môn học thuật từ ULIS với năng lực công nghệ của FSEL, chương trình được kỳ vọng sẽ cung cấp nền tảng đào tạo chất lượng cao cho học sinh vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam và hơn 6 triệu kiều bào Việt Nam tại nước ngoài. Qua đó, góp phần lan tỏa tiếng Việt - chiếc cầu nối giúp bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt Nam trong cộng người Việt và trên toàn thế giới.
Nếu không làm chủ AI, thì AI sẽ làm chủ chúng ta
Khởi nghiệp vào năm 2003 - khi mọi thứ vẫn nguyên sơ, chị Ngọc Lan tự nhận mình là thế hệ gen X startup theo kiểu “thiên nhiên”, bản năng và không được thị trường ưu đãi. Chị cho rằng, startup chính là người thầy tuyệt vời của cuộc đời. Chị đã phải tự đi tự mò đường, tự rút ra bài học sau những lần vấp ngã.
Nhờ có sự bền bỉ, kiên cường vượt khó cùng tầm nhìn chiến lược dài hạn đã giúp chị “hô biến” một công ty hoạt động trong lĩnh vực du học chỉ vỏn vẹn 20m2, 3 nhân sự cùng 1 chiếc máy tính thành Tập đoàn Giáo dục, có uy tín, vị thế đặc biệt trong ngành. Hiện tại, thương hiệu Five-Star English của Atlantic trở thành Trung tâm khảo thí ủy quyền của Đại học Cambridge Anh quốc tổ chức kỳ thi tiếng Anh - Cambridge và là đối tác chính thức của British Council & IDP, là cố vấn học thuật phần thi tiếng Anh của chương trình Đường lên đỉnh Olympia.
Vào năm 2003, từ sự thúc ép của anh trai đang làm việc tại Pháp, do nhu cầu của học sinh Việt Nam muốn sang Pháp du học ngày càng cao mà không có thông tin. Vậy là từ số vốn ban đầu là 1.500 USD do anh trai từ Pháp cho mượn, trải qua ba lần khởi nghiệp, chị đã tiếp tục hành trình với AI...
Năm 2015, khi đang ở đỉnh cao của du học, riêng Atlantic hỗ trợ khoảng hơn 1.000 học sinh sang Nhật, trở thành công ty top đầu về du học thời điểm đó. Cũng thời điểm này, chị nhận thấy du học tồn tại nhiều hạn chế. Chứng kiến cảnh các em học sinh Việt Nam đi nước ngoài học tập nhưng bị sốc văn hóa, sốc ngôn ngữ, sốc phương pháp học tập. Đặc biệt cú sốc ngôn ngữ khiến các em bị bỏ lại phía sau, khủng hoảng tâm lý. Vì thế, chị lao vào startup lần 2 - “xây” trung tâm Anh ngữ giống mô hình trường quốc tế nhằm trang bị cho các em kỹ năng và kiến thức ngoại ngữ để hội nhập quốc tế một cách dễ dàng. “Tôi xây dựng chiến lược tại một resort 5 sao trong một tuần và không ngừng băn khoăn: “Tại sao có resort 5 sao, khách sạn 5 sao, nghỉ dưỡng 5 sao nhưng lại không có 5 sao trong giáo dục?”. Việc đầu tiên, tôi search tiêu chí của khách sạn 5 sao là gì. Và ra hàng loạt tiêu chí về diện tích, cơ sở vật chất, nhân viên,... Từ đó, tôi đặt ra 5 tiêu chuẩn riêng biệt của một trung tâm Anh ngữ 5 sao bao gồm: Giáo viên, chương trình, công nghệ, cơ sở vật chất, dịch vụ. Tôi muốn khi học viên đến học, những giá trị 5 sao sẽ mang lại cảm hứng, yêu thích cho các em, từ đó mới học tập tốt. Và tại đây không chỉ đào tạo kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết tốt, lấy chứng chỉ tiếng Anh mà còn giúp các em ứng dụng được ngôn ngữ vào cuộc sống và công việc”.
|
Nhóm học sinh tham gia trải nghiệm trước khi FSEL ra mắt. (Ảnh: FSEL) |
Chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng AI tại chính doanh nghiệp mình, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, với AI, FSEL đã có thể chuyển đổi mọi điểm tiếp xúc vật lý trong sản phẩm giáo dục lên trên môi trường số thông qua các giải pháp công nghệ. “Trong giai đoạn kỷ nguyên số, chúng tôi đã tiên phong chuyển đổi mô hình trung tâm Anh ngữ 5 sao lên online, giúp hàng triệu học sinh được tiếp cận chương trình đào tạo ngoại ngữ chất lượng cao với chi phí thấp nhất. Với khát vọng thu hẹp khoảng cách học tiếng Anh ở mọi vùng miền, FSEL sẽ hiện thực hoá giấc mơ để không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình chinh phục ngôn ngữ”. Cụ thể, hơn 4 năm trước, khi AI vẫn còn là một khái niệm mới mẻ và chưa được phổ biến rộng rãi, FSEL đã đứng trước thách thức lớn: Làm thế nào để chuyển đổi toàn bộ các điểm tiếp xúc vật lý trong môi trường giáo dục truyền thống lên nền tảng công nghệ mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục? Đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi lẽ các hoạt động học tập như ngữ pháp, phát âm, nói và viết đòi hỏi sự tương tác và phản hồi từ người học và người dạy.
Nhưng với sự bùng nổ của AI trong 2 năm trở lại đây, cơ hội còn mở ra cho Tập đoàn khi lượng nội dung khổng lồ từng phải sản xuất thủ công trong hơn 4 năm qua có thể được hỗ trợ bởi AI trong tương lai gần. Sự hợp tác với Học viện AI và các cố vấn đã đem lại cho doanh nghiệp cơ hội tối ưu hóa chi phí sản xuất nội dung, nâng cao hiệu quả gấp 2 đến 3 lần so với phương pháp truyền thống. Trong khi một chương trình giáo dục có thể tốn kém đến 40 - 50 tỷ đồng nếu sản xuất theo cách cũ, thì việc ứng dụng AI có thể giúp tiết giảm đáng kể chi phí.
Chị Ngọc Lan tâm sự: “Nếu chúng ta không làm chủ AI, thì AI sẽ làm chủ chúng ta”. Và nền tảng học tiếng Anh cùng AI đã ra đời ngoạn mục như thế…