Cầu Thăng Long hoàn thành sửa chữa vào 31/12

(PLVN) - Với khối lượng công trình và tiến độ giải ngân đến nay đạt trên 80%, cầu Thăng Long dự kiến hoàn thành sửa chữa cuối tháng 12/2020. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ, cho biết thông tin trên.
Cầu Thăng Long hoàn thành sửa chữa vào 31/12.

Theo ông Thắng, hiện hạng mục trải bê tông siêu tính năng trên mặt cầu đã sắp hoàn thành, còn cần thi công 3.000 m3 bê tông nhựa polymer trong một tuần, dự kiến kết thúc vào 22/12. Sau đó cầu Thăng Long sẽ sơn kẻ lan can, lắp đặt trang thiết bị an toàn, chiếu sáng, hoàn thành vào ngày 31/12, đạt tiến độ mà Bộ GTVT đề ra.

Tại công trường, nhà thầu đang trải lớp bê tông siêu tính năng dày 6 cm cuối cùng trên các tấm lưới thép. Tấm lưới thép này trước đó đã hàn chặt với bản thép trên mặt cầu bằng đinh neo. Sau khi đổ lớp bê tông siêu tính năng, đơn vị thi công sẽ thảm một lớp bê tông nhựa tạo êm thuận trên mặt đường dày 4 cm.

Đề cập chất lượng công trình, ông Thắng cho biết, Tổng cục Đường bộ đã quán triệt Ban quản lý dự án chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu giám sát 24/24h trong quá trình thi công, “đến nay chất lượng và tiến độ các hạng mục đạt và vượt yêu cầu đề ra”.

Ông Thắng nói lớp bê tông siêu tính năng cường độ cao sẽ có tuổi thọ trên 10 năm, lớp bê tông nhựa polymer tuổi thọ 5-6 năm giống như các công trình khác. Cầu Thăng Long sẽ cần trung tu sau 5 năm và đại tu sau 10 năm.

Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng “vấn đề lo ngại là xe quá tải lưu thông sẽ gây hư hỏng mặt đường nhanh chóng”. Thời gian qua, cầu Thăng Long nhanh xuống cấp một phần do xe quá tải lưu thông nhiều.

Để ngăn chặn xe quá tải, Tổng cục Đường bộ đã làm việc với Hà Nội để lắp đặt trạm cân tự động kiểm soát xe lên cầu Thăng Long; trước mắt chưa lắp đặt được trạm cân thì lực lượng chức năng sẽ kiểm soát bằng cân xách tay.

Theo GS.TS Trần Đức Nhiệm, Đại học Giao thông Vận tải (đại diện đơn vị tư vấn), cầu Thăng Long được sửa chữa mặt đường ôtô, phần lề người đi hai bên, khe co giãn và hệ thống thoát nước trên cầu giàn thép. Công nghệ sửa chữa lần này sẽ tăng cường độ cứng cho bản mặt cầu, được gia cố thành kết cấu mặt cầu liên hợp với vật liệu có liên kết tốt, chịu cường độ cao, không thấm nước xuống bản mặt thép.

“Đến nay quá trình thi công đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra”, ông Nhiệm nói.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long với tổng mức đầu tư 269 tỷ đồng, được Tổng cục Đường bộ khởi công vào tháng 8 năm nay, sau nhiều nghiên cứu về công nghệ sửa chữa cầu.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, nối liền các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội. Cầu được thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985. Qua hơn 20 năm sử dụng, cầu nhiều lần xuống cấp và được tu sửa hơn chục lần với kinh phí cả trăm tỷ đồng.

Đọc thêm