Ca cấy ghép đầu người đầu tiên có thể diễn ra ở Trung Quốc vào cuối năm 2017, như một cách chứng tỏ nước này là cường quốc khoa học. Các bác sĩ tuyên bố người có cơ thể lão hóa, ốm yếu có thể thay thế bằng thân hình mới, trẻ và khỏe hơn, giúp não bộ trẻ lại và sống thọ hơn.
Nhiều tỉ phú, nhà tài phiệt giàu có trên thế giới cũng đã liên lạc với các bác sĩ với mong muốn có thể kéo dài sự sống. Việc cấy ghép đã diễn ra thành công ở chuột và linh trưởng.
Ca cấy ghép thực hiện hồi tháng 7/2013, kể từ đó, ông và cộng sự ở Đại học Y Cáp Nhĩ Tân, phía bắc Trung Quốc đã thực hiện cấy ghép gần 1.000 con chuột, thử nghiệm nhiều cách khác nhau giúp nó sống lâu hơn.
Con chuột sống lâu nhất sau cấy ghép đầu cho đến nay là một ngày. Chi tiết ca cấy ghép được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế CNS Neuroscience và Therapeutics hồi tháng 12/2014. TS Ren đã thử cấy ghép đầu khỉ mùa hè này và thành công. Con vật sống và tự thở, cho dù chỉ trong thời gian ngắn.
Ý tưởng cấy ghép đầu đã có từ lâu. Từ đầu thế kỷ 20, nhà khoa học Mỹ C.C.Guthrie đã cố gắng cấy ghép đầu chó. Sau khi cấy, cái đầu chỉ xuất hiện những phản xạ vô thức. Những năm 50, người Nga, rồi đến người Trung Quốc cũng thực hiện những ca cấy ghép tương tự, cái đầu có thể làm những việc đơn giản như uống nước.
Hai thập kỷ sau, TS Robert J.White, giáo sư Đại học Case Westen Reserve, bang Ohio, Mỹ, đã cấy ghép đầu một con khỉ rhesus. Con khỉ nhìn xung quanh, tìm cách cắn bàn tay một nhà nghiên cứu, nhưng không thể tự thở.
Với ca cấy ghép đó, TS White bị gọi là "Tiến sĩ Frankenstein", nhân vật trong tiểu thuyết giả tưởng nổi tiếng của nhà văn Marry Shell, thường được công chúng hóa trang trong lễ Halloween. Gần đây nhất, một nhà giải phẫu thần kinh Italia, Sergio Canavero, gây ấn tượng bằng tuyên bố sẽ hoàn thiện kỹ thuật cấy ghép đầu người trong hai năm, và đã tìm được bệnh nhân sẵn sàng cho đầu.
Tiến sĩ Ren cho biết, ông Canavero đã đề nghị ông hợp tác cấy ghép thử nghiệm trên động vật. Ông Ren bắt đầu nghĩ về cấy ghép đầu khoảng một thập kỷ trước. Là một nhà phẫu thuật, ông luôn khao khát được chỉnh sửa những thứ tưởng như không thể sửa được.
Năm 1996, ông chuyển đến Mỹ, tham dự khóa đào tạo vi phẫu 5 năm ở đại học Y Louisville, tham gia nhóm tiên phong trong lĩnh vực ghép tay rồi làm giảng viên đại học Cincinnati.
Trong 10 năm, ông nghiên cứu một trong những thách thức lớn nhất của kỹ thuật ghép tạng, làm thế nào để ngăn ngừa thiếu máu cục bộ, hoặc thiếu oxy đến các cơ quan cấy ghép. Cuối cùng, ông bắt đầu nghĩ đến "giới hạn tiếp theo là gì " trong lĩnh vực phẫu thuật chỉnh hình, đó là cấy ghép đầu.
"Ở Mỹ, mọi người rất sốc với ý tưởng đó” - TS Ren nhớ lại. Ông vấp phải cơn bão chỉ trích của các nhà đạo đức sinh học ở ĐH Louisville, cũng như những người từng phản đối cấy ghép tay cuối thập niên 90. TS Ren quay lại Trung Quốc năm 2012, mặc dù vẫn giữ vị trí trợ giảng ở ĐH Loyola Chicago. Hội đồng nhà trường cho biết không liên quan đến thí nghiệm cấy ghép đầu của ông.
Ở Trung Quốc, không chỉ dễ xin phê duyệt và tìm tài trợ, xin phép thí nghiệm trên động vật cũng dễ hơn. TS Ren tin tưởng, ông được phép thí nghiệm trên khỉ đuôi dài, loài động vật nhỏ bé và thân thiện sinh sống ở gần Tô Châu, tỉnh Giang Tô phía nam Trung Quốc. Chúng cần thời gian để thích nghi với khí hậu lạnh ở Cáp Nhĩ Tân, vùng núi cao có nhiệt độ trung bình -14 độ C vào tháng Giêng.
|
Con chuột được ghép đầu có thể uống nước. |
Trong ca cấy ghép đầu chuột, cho dù tủy sống và não chứa lượng lớn dây thần kinh, nhưng nhóm của Ren đang thử nghiệm chỉ nối lại một phần nhỏ, đủ cho con vật tự thở và làm những phản xạ cơ bản. “Hai rào cản lớn nhất là ngăn đào thải miễn dịch và giữ cho não sống khi bị cắt rời” -TS Ren nói.
Chỉ cần 5 phút thiếu oxy, não sẽ bị tổn thương vĩnh viễn. Bước đầu tiên của ca phẫu thuật là thực hiện "clean trauma" (loại trừ tổn thương), bằng cách sử dụng một con dao siêu sắc lưỡi kim cương cắt rời phần đầu chờ ghép; ở phần cơ thể hiến, đầu cũng bị cắt, nhưng cắt ở giữa não, giữ cho tim vẫn đập nuôi cơ thể.
Bởi vì não cần bơm oxy liên tục, nên TS Ren sẽ tạm thời nối các mạch máu từ cơ thể hiến có tim đang đập vào đầu chờ ghép, sử dụng các ống silicon nối một bên đầu. Sau đó, dưới kính hiển vi, nhóm giải phẫu sẽ nối các dây thần kinh tủy sống của đầu với cơ thể mới, khóa chúng lại bằng hợp chất phân tử polyethylene glycol.
Họ hy vọng hợp chất này sẽ thúc đẩy các dây thần kinh nhanh liền. Các thao tác phải rất nhanh, bước tiếp theo là gắn đầu vào cột sống, sử dụng ghim, đinh vít, các tấm. Cuối cùng, họ sử dụng chỉ khâu nhỏ nối các mạch máu phần đầu bên kia với cơ thể, rồi tới cơ và da. Trong ca cấy ghép, não của bệnh nhân được làm lạnh ở mức 10-15 độ C để kéo dài thời gian tồn tại của tế bào trong điều kiện không có oxy.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ ở trạng thái hôn mê khoảng 3-4 tuần để tránh mọi cử động và được sử dụng thuốc chống đào thải mô ghép. TS Ren cho hay, nếu cấy ghép trên khỉ, ông chỉ nối lại một phần rất nhỏ trong số 100 tỷ dây thần kinh cột sống.
Trong suốt quá trình này, các dây sẽ được kích điện bằng các cực dò điện đặt trong tủy sống ở đầu và thân mới, giữ cho các dây thần kinh hoạt động tốt. “Chỉ cần 10-20% dây thần kinh nối thành công, cơ thể có thể giữ được những chức năng cơ bản như vận động cơ bắp” - nhóm nghiên cứu dự đoán. Tuy nhiên, họ hy vọng sẽ dần nâng cao tỷ lệ này. Nếu thành công, nó sẽ giúp ích cho quá trình xin thủ tục thử nghiệm lâm sàng trên người.
Peter, chuyên gia cấy ghép tay, giáo sư chỉnh hình tại đại học Cincinnati, người đào tạo TS Ren cho rằng, các nhà khoa học Trung Quốc đang làm một việc "hết sức thú vị và đầy tiềm năng. Tuy nhiên, họ sẽ vấp phải nhiều thách thức như các vấn đề đạo đức, ức chế miễn dịch, bởi vì cấy ghép đầu đòi hỏi kỹ thuật cực kỳ phức tạp, đặc biệt là tái tạo các dây thần kinh." - Robert Truog, Giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh học (ĐH Y Harvard), nói mặc dù cấy ghép đầu người "có quan hệ mật thiết với nhân thân," nhưng không có lý do gì về đạo đức mà không được cấy ghép nếu hội đồng xét duyệt thông qua.
"Tôi tưởng tượng rằng, nhiều năm nữa, chúng ta sẽ được nhìn thấy điều gì đó" - Truog nói. "Và tôi tưởng tượng rằng, chuyện đó sẽ diễn ra khắp nơi."