Cha cường
Trước năm 2012, Chu Vĩnh Khang đang là một trong 9 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc. Ở thời kỳ đỉnh cao quyền lực, Chu Vĩnh Khang là người nắm quyền kiểm soát lực lượng cảnh, các cơ quan an ninh, hệ thống tòa và các viện kiểm sát trên khắp Trung Quốc. Đó là thời điểm ông ta giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị và Luật pháp trung ương (CPLC) Trung Quốc.
Nhiều người khi đó từng ví ông ta là “Dick Cheney của Trung Quốc”. Cheney là phó tổng thống Mỹ nổi tiếng về sức ảnh hưởng trong các vấn đề an ninh và quốc phòng của Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush. Trước khi về nghỉ hưu năm 2012, ông ta từng có nhiều năm nắm giữ vị trí được đánh giá là nhân vật quyền lực thứ 3 ở Trung Quốc, khi người giám sát trên ông ta chỉ có chủ tịch kiêm tổng bí thư và thủ tướng.
Cuối năm 2013, dư luận Trung Quốc xôn xao về việc người đàn ông quyền lực một thời này đang gặp rắc rối khi một loạt những cộng sự thân tín của ông ta bị bắt giữ trong chiến “đả hổ, diệt ruồi” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động.
Những đồn đoán chính thức được xác nhận sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo Chu Vĩnh Khang đã bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng – từ thường được dùng để chỉ hành vi tham nhũng.
Cuộc điều tra nhằm vào Chu Vĩnh Khang sau đó đã làm lộ ra khối tài sản khủng khiếp mà nhân vật này đã tích lũy được bằng quyền lực của mình. Theo các tài liệu do tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng công bố, ít nhất 37 công ty hoạt động rộng khắp từ Trung Quốc tới tận Bắc Mỹ thuộc sở hữu hoặc có liên quan tới gia đình Chu Vĩnh Khang.
Các doanh nghiệp này hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm sản xuất dầu, phát triển bất động sản, thủy điện, du lịch và nhiều ngành nghề khác. Hãng tin Reuters từng dẫn các nguồn tin cho biết tổng số tài sản mà gia đình ông ta thu được bất chính lên đến 90 tỷ nhân dân tệ, tương đương 14,5 tỉ USD. Nhiều người nói rằng con số thực tế lớn hơn như vậy rất nhiều.
Con vượng
Là kẻ lão luyện, Chu Vĩnh Khang dĩ nhiên đã không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan đến gia đình ông ta mà khôn khéo xây dựng cho mình những lớp bảo vệ dày đặc. Con trai cả của Chu Vĩnh Khang với người vợ đầu tên Chu Bân là một trong những nhân vật được hưởng lợi nhiều nhất từ quyền lực của cha.
Tuy nhiên, cũng như cha, nắm hàng loạt các đế chế kinh doanh nhưng Chu Bân luôn tìm cách nấp trong bóng tối nhiều nhất có thể. Những người biết Chu Bân không mấy ấn tượng với các kỹ năng kinh doanh của anh ta và luôn nói rằng anh ta thiếu sự quyết đoán, mạnh mẽ của cha.
Mặc dù vậy nhưng nhờ quyền lực của cha, chỉ trong vòng 10 năm, từ một công ty nhỏ, Chu Bân đã gây dựng được một đế chế trị giá hàng trăm triệu nhân dân tệ. Việc điều hành các hoạt động kinh doanh được người này tiến hành với sự hỗ trợ đắc lực của mẹ vợ Chiêm Mẫn Lợi, người anh em họ Chu Phong và một số người khác.
Theo hồ sơ, Chu Bân có bằng thạc sỹ về nghiên cứu quản lý quốc tế tại trường Đại học Texas ở Dallas, Mỹ. Năm 2003, Chu Bân đứng ra thành lập Công ty công nghệ Beijing Zhongxu Sunshine có trụ sở tại khu căn hộ Majestic Garden ở gần công viên Olympic ở Bắc Kinh.
Một năm sau đó, anh ta tiếp tục thành lập Công ty công nghệ năng lượng Zhongxu Sunshine. Có vốn đầu tư chỉ 5 triệu nhân dân tệ nhưng Công ty công nghệ năng lượng Zhongxu Sunshine đã nhanh chóng được Tổng công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc (CNPC) – nơi người cha Chu Vĩnh Khang từng là người đứng đầu trong một thời gian dài – chọn làm đối tác làm ăn, giành được nhiều hợp đồng béo bở, trong đó có dự án nâng cấp hệ thống quản lý bán lẻ của 8.000 cây xăng ở một số tỉnh. Không có bất cứ tài liệu nào về quá trình đấu thầu dự án này.
Chu Bân ra hầu tòa. |
Các nguồn tin cho biết, chiến thuật kinh doanh của Chu Bân là thâu tóm các dự án của chính phủ với giá rẻ và sau đó bán với giá cao hơn nhiều – một kỹ thuật chỉ có thể thực hiện được nhờ ảnh hưởng của cha ông ta.
Theo tạp chí Tài Kinh, chỉ trong 2 năm 2007 và 2008, Chu Bân đã thu lời được hơn 500 triệu nhân dân tệ nhờ việc bán các dự án mỏ dầu Changyin và Changqing ở tỉnh Thiểm Tây. Đến năm 2011, Công ty công nghệ năng lượng Zhongxu Sunshine đã có tài sản lên đến 139 triệu nhân dân tệ, với lợi nhuận hàng năm là 32,9 triệu nhân dân tệ.
Tại Tứ Xuyên - nơi Chu Vĩnh Khang từng là bí thư, Chu Bân cũng đã tham gia vào lĩnh vực thủy điện, phát triển hạ tầng và du lịch. Thông qua các đối tác kinh doanh, anh ta đã đầu tư vào 2 nhà máy thủy điện, thu lợi mỗi năm lên đến 900 triệu nhân dân tệ từ mỗi dự án. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ quyền hành rất lớn của cha, Chu Bân chèn ép tất cả các đối thủ cạnh tranh và gần như nắm trọn các dự án về thủy điện, năng lượng tại đây.
Để tranh thủ Chu Vĩnh Khang, nhiều doanh nghiệp cũng đã tìm đến Chu Bân, cung cấp cho ông này nhiều đặc lợi. Ví dụ, năm 2004, doanh nhân chuyên về khai thác mỏ ở Tứ Xuyên có tên Lưu Hán đã mua lại một công ty du lịch của Chu Bân với giá 12 triệu nhân dân tệ trong khi giá trị thực của doanh nghiệp này được cho là chưa đến 1 nửa chỗ đó.
Khi nghe tin vợ Chu Bân quan tâm đến hoạt động kinh doanh phim ảnh, Lưu Hán cũng không tiếc tiền đứng ra thành lập một doanh nghiệp và để cho mẹ vợ của Chu đứng tên.
Chu Bân không phải là người duy nhất trong gia tộc họ Chu lợi dụng quyền lực của Chu Vĩnh Khang để làm giàu cho bản thân. 2 người em của Chu Vĩnh Khang là Zhou Yuanxing và Zhou Yuanqing cũng đã tích lũy được những khối tài sản khổng lồ dù không có bằng cấp cũng chẳng có kinh nghiệm hay tài cán gì.
Đứt xích
Tháng 12/2014, Chu Vĩnh Khang bị khai trừ đảng. Cùng tháng, ông ta chính thức bị bắt giữ và đến tháng 4/2015 thì bị khởi tố về một loạt các tội danh tham nhũng, bao gồm nhận hối lộ, lạm quyền và làm lộ bí mật nhà nước.
Cơ quan công tố Trung Quốc xác định ông ta đã lợi dụng vị trí để làm lợi cho những người thân tín và nhận bất hợp pháp những khoản tiền lớn trong suốt sự nghiệp chính trị kéo dài của mình. Tại phiên tòa diễn ra ngày 22/5/2015, với việc bị buộc tội tham nhũng và làm lộ bí mật nhà nước, Chu Vĩnh Khang đã bị kết án tù chung thân.
Sau khi Chu Vĩnh Khang “ngã ngựa”, một loạt những nhân vật thân tín của ông ta cũng đã bị phanh phui những hành vi sai trái và phải trả những cái giá thích đáng. Tháng 12/2013, Chu Bân cũng đã bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng.
Đến tháng 6/2016, anh ta đã phải nhận mức án 18 năm tù vì tội tham nhũng và kinh doanh trái phép. Vợ của Chu Vĩnh Khang là Giả Hiểu Diệp từng là một phóng viên của đài truyền hình trung ương Trung Quốc cũng đã bị kết án 9 năm tù giam vì tội nhận hối lộ.
Cùng với việc bị phạt tù, vợ, con của Chu Vĩnh Khang còn bị buộc phạt tiền, trong đó Chu Bân bị phạt 350,2 triệu nhân dân tệ (tương đương 53 triệu USD) còn bà Giả Hiểu Diệp bị phạt 1 triệu nhân dân tệ (tương đương 150.000 USD).
Hãng tin Tân hoa xã của Trung Quốc đưa tin 2 người này đã nhận hối lộ tổng cộng khoảng 129 triệu nhân dân tệ (hơn 20 triệu USD). Đáng chú ý, vợ và con chính là 2 trong số những người đã ra tòa làm chứng chống lại Chu Vĩnh Khang.
Ít lâu sau đó, cháu trai của Chu Vĩnh Khang là Chu Phong, sinh năm 1974, cũng đã bị tòa án ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc kết án 12 năm tù giam vì nhận hối lộ và gian lận tài chính. Chu Phong cũng bị phạt 60 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 9 triệu USD). Một loạt các nhân vật khác có liên quan đến các doanh nghiệp của gia đình họ Chu cũng đã phải trả giá sau một thời gian dài phất lên nhanh chóng một cách bất hợp pháp.
Sau các vụ việc quan chức cấp cao “ngã ngựa với cáo buộc tham nhũng, cùng với nhiều họ hàng thân thích, con cái, cuối tháng 4/2016, Tổ chỉ đạo Cải cách Sâu rộng Toàn diện Trung ương do Chủ tịch nước này Tập Cận Bình đứng đầu đã ra quyết định áp dụng một loạt các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng “con ông cháu cha” hay việc lợi dụng quan hệ để mưu lợi của các quan chức ở nước này.
Trong số các biện pháp được công bố có việc cấm toàn bộ vợ chồng, con cái của các quan chức mở công ty riêng hoặc tham gia vào các hoạt động kinh doanh.