Chấm dứt nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Có thể nói, qua triển khai nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật mà Chính phủ rất coi trọng, Bộ Tư pháp từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và đổi mới cách thức trong việc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Hàng quý, 6 tháng, hàng năm, Bộ Tư pháp đều có báo cáo tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã xem xét, thảo luận, làm rõ các vướng mắc, bất cập và có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc đó, các chỉ đạo được ghi cụ thể trong nghị quyết các phiên họp của Chính phủ. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, Quốc hội đã thông qua 28 luật, 4 nghị quyết; UBTVQH thông qua 1 pháp lệnh, 1 nghị quyết.
Trong công tác thẩm định, Bộ Tư pháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ hoàn thiện thể chế nội bộ đến tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiện toàn tổ chức, cán bộ các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác này. Nhờ vậy, công tác thẩm định đã góp phần nâng cao chất lượng VBQPPL, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi. Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trong nhiều trường hợp là cơ sở để Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét trước khi quyết định thông qua các đề nghị, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Riêng về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, Bộ Tư pháp thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình. Căn cứ báo cáo của Bộ Tư pháp, tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ cũng như Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đều kiểm điểm công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, nêu tên và nhắc nhở các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng nợ văn bản; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm minh, kịp thời tình trạng chậm tiến độ và không đảm bảo chất lượng văn bản…
Kết quả, mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nhưng số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm dần qua các năm. Cụ thể, cuối năm 2015 nợ 57 văn bản, cuối năm 2016 nợ 35 văn bản, cuối năm 2017 nợ 10 văn bản. Đặc biệt là năm 2017 đã chấm dứt nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL có một số tồn tại, hạn chế như tình trạng xin lùi, rút các dự án; ý kiến của Bộ Tư pháp trong một số trường hợp không được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, dẫn đến dự thảo văn bản phải xin lại ý kiến; nợ văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để… Bởi thế, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm hơn nữa, đầu tư nguồn lực và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong bảo đảm tiến độ, hồ sơ thủ tục và chất lượng các dự án, dự thảo trình Quốc hội.
Trong công tác thẩm định, cần chú trọng hơn nữa đến khả năng dự báo, phân tích chính sách, tính khả thi, tính hợp lý của các chính sách và quy định trong đề nghị, dự án, dự thảo văn bản. Đối với ban hành văn bản quy định chi tiết, sẽ tham mưu cho Chính phủ quy định lấy kết quả thực hiện công tác này làm một trong những căn cứ để Quốc hội xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Bàn về các nội dung trên, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu bổ sung giải pháp phải thực hiện nghiêm, rốt ráo các quy định tiến bộ của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, nhất là về đánh giá tác động, quy trình phân tích chính sách… Đồng thời rà soát xem các bộ, ngành đã triển khai đến đâu chỉ đạo của Thủ tướng về việc các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo công tác thể chế. Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị nhấn mạnh phải quan tâm đến tổ chức pháp chế bởi “văn bản muốn tốt phải tốt từ gốc” và lưu ý thêm mô hình tổ công tác của Thủ tướng như một điểm mới trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.