Chấm dứt nạn 'tận diệt' chim trời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong nhiều năm, các loại chim trời bị giăng bẫy, săn bắt theo kiểu tận diệt để làm thực phẩm, mồi nhậu ở các quán ăn, khiến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài chim hoang dã di cư nơi này ngày càng khó khăn. Trong bối cảnh đó, mới đây Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg được Chính phủ nhằm tăng cường bảo tồn các loài chim hoang dã nói chung và chim di cư nói riêng.
Đã có hành lang pháp lý nhằm bảo vệ các loài chim hoang dã.
Đã có hành lang pháp lý nhằm bảo vệ các loài chim hoang dã.

Bi kịch của chim hoang dã, di cư tại Việt Nam

Việt Nam sở hữu 63 vùng chim quan trọng toàn cầu, 7 vùng chim đặc hữu và được xác định là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư. Đến nay, có hơn 900 loài chim đã được phát hiện ở Việt Nam, trong đó 99 loài cần ưu tiên bảo tồn. Các vùng chim hoang dã, di cư như Vườn quốc gia: Xuân Thủy (Nam Định), Tràm Chim (Đồng Tháp), Mũi Cà Mau (Cà Mau) và nhiều khu vực khác đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng của Việt Nam, góp phần bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước quốc tế về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng (Ramsar) và gia nhập Hiệp hội Đường bay Đông Á - Úc (EAAFP). Thông qua các cam kết quốc tế, Việt Nam nhận thức rõ hơn về các khu vực dừng chân của chim di cư, từ đó có chính sách, quy định nằm bảo tồn sinh cảnh, hạn chế xung đột giữa con người và chim di cư cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động săn bắt, buôn bán chim di cư trái phép.

Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng vài năm trở lại đây, quần thể chim di cư đang suy giảm nghiêm trọng tại Việt Nam nói riêng và nhiều nước châu Á nói chung. Nguyên nhân là do sự phát triển nhanh chóng xuyên suốt châu Á đã dẫn đến việc mất đi một khu vực rộng lớn các vùng đất ngập nước ven biển và tình trạng săn bắt, bẫy bắt trái phép các loài chim. Hoạt động săn bắt, tận diệt bằng lưới, súng lưới đã tiếp tay cho các nhà hàng buôn bán, tiêu thụ chim hoang dã trái pháp luật. Đây cũng là hành vi tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, mất cân bằng đa dạng sinh học, đe dọa tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Thực trạng tận diệt chim hoang dã đã và đang tiếp tục diễn ra tại các tỉnh, thành trên cả nước. Miền Bắc có thể kể đến Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ và Vĩnh Phúc là những nơi nổi tiếng với “đặc sản chim trời”; miền Trung cũng có các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị có nhiều “điểm nóng” về nạn bẫy bắt chim trời; miền Nam có các chợ chim trời tại tỉnh Đồng Tháp, Long An, được xem là “địa ngục chim trời” đã tồn tại nhiều năm nay. Thực trạng cũng cho thấy, dù nhiều điểm nóng về săn bắt, buôn bán chim hoang dã nhiều lần bị các đơn vị truyền thông, báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng vào xử phạt, lại tiếp tục tái diễn một thời gian không lâu sau đó.

Đáng nói, nhiều loài chim hoang dã, di cư cũng được đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật như loài Sếu đầu đỏ, Cò mỏ thìa, Rẽ mỏ thìa… cũng trở thành đối tượng của những đối tượng săn bắt, bẫy chim để bán chợ đen.

Trên thực tế, đã có nhiều quy định pháp luật trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và các giống loài động thực vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời. Cụ thể như Luật Đa dạng sinh học; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Lâm nghiệp; Bộ luật Hình sự (có 2 tội danh liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; đồng thời quy định xử lý hình sự cả pháp nhân thương mại nếu phạm các tội này); Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 64/2019/NĐ-CP;….

Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim di cư còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Số lượng số vụ phát hiện, xử lý còn ít và khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là do công tác phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện, truy bắt đối tượng có hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời.

Chưa kể, việc mua bán chim trời, chim hoang dã còn được thực hiện tràn lan trên không gian mạng. Trong những hội nhóm có tới hàng chục nghìn người tham gia trên mạng xã hội Facebook, các thành viên mua bán bẫy, nhựa dính, lưới bắt, loa đài, âm thanh giả tiếng các loài chim trống mái, súng săn các loại. Họ còn truyền dạy nhau cách bắn, bẫy, cách qua mặt cơ quan chức năng, giá cả chợ đen của các con chim hoang dã độc lạ, … Trong khi đó, cơ chế xử lý các đối tượng rao bán, tuyên truyền trên mạng xã hội hầu như chưa có, phần lớn vẫn chỉ dựa vào sức ảnh hưởng của các tổ chức, cá nhân bảo tồn chim hoang dã kêu gọi cộng đồng tham gia “đánh sập” các trang buôn bán chim.

Nạn “tận diệt” chim trời tràn lan tại các chợ chim, nhà hàng tại Việt Nam.

Nạn “tận diệt” chim trời tràn lan tại các chợ chim, nhà hàng tại Việt Nam.

Công cụ pháp lý mạnh hơn

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh: “Việt Nam đã và đang nỗ lực để bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư. Chỉ thị số 04/CT-TTg được Chính phủ ban hành ngày 17/5/2022 nhằm tăng cường bảo tồn các loài chim hoang dã nói chung và chim di cư nói riêng. Theo đó, Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường các biện pháp bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư. Việc bảo tồn, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư là một nhiệm vụ hết sức cần thiết đảm bảo một hệ sinh thái khỏe mạnh, góp phần bảo tồn quần thể chim di cư trong khu vực và trên thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam”.

Chỉ thị ra đời trong bối cảnh tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư vẫn đang diễn ra phổ biến tại một số địa phương, gây suy giảm quần thể các loài chim hoang dã, di cư cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và các sinh vật khác. Ông Lê Mạnh Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Nghiên cứu & Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam (VBCS) cho rằng, Chỉ thị của Chính phủ chính là một công cụ pháp lý mạnh mẽ để đơn vị này thực hiện các hoạt động điều tra, nghiên cứu, phối hợp với cơ quan chức năng để bảo tồn chim hoang dã.

Theo đó, một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng bao gồm: Hoàn thiện và ban hành các quy định về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế tăng cường bảo vệ chim hoang dã, thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát các đường bay quan trọng của các loài chim di cư; tăng cường tuần tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, kinh doanh, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư; kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo các sản phẩm, công cụ săn, bắt, bẫy chim hoang dã, di cư; tăng cường thực hiện các quy định pháp luật về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp loài nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ; các cơ sở kinh doanh ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp; triệt phá dứt điểm các khu chợ, tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật trên địa bàn, và một số nhiệm vụ khác.

Nói tóm lại, ở các đất nước văn minh hơn, người dân đều nhận thực được rằng chim hoang dã đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của loài người, vì vậy họ không có nhu cầu ăn thịt chim hoang dã và nhờ đó mà chim được sống tự do bên cạnh con người. Còn tại Việt Nam, nhận thức này vẫn còn rất hạn chế, đến từ thói quen lâu năm đã “thâm căn cố đế” của người dân. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân về bảo tồn chim hoang dã, di cư, cùng các công cụ pháp lý mạnh mẽ, hy vọng tình trạng này sẽ cải thiện trong tương lai gần, để Việt Nam có thể thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với chim di cư.

Đọc thêm