Người cao tuổi là một nhóm đặc thù của xã hội. Và, việc chăm sóc sức khỏe cho họ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Hiện, nhà nước đã có những chính sách ưu đãi về khám chữa bệnh cho nhóm người này. Nhưng, về tổng thể chúng ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu được chăm sóc một cách toàn diện và ngày càng nâng cao của họ.
|
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi – không thể bỏ lơ
Cùng với sự phát triển của kinh tế đất nước, dẫn đến mức sống của người dân càng được nâng cao, lối sống hiện đại và sự ô nhiễm môi trường, gánh nặng bệnh tật của người dân nói chung, đặc biệt là NCT nói riêng đang có sự thay đổi một cách mạnh mẽ. Cụ thể, bên cạnh những bệnh thường gặp ở người già như: Giảm cân, lú lẫn, thoái hóa khớp, viêm đường tiết niệu, mất ngủ…, các bệnh tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch… có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Các bệnh nan y gia tăng đồng nghĩa với việc chi phí cho việc khám chữa bệnh cũng sẽ tăng theo. Điều này sẽ tạo áp lực rất lớn đối với những NCT đang sống ở những nước đang phát triển và kém phát triển, trong đó có Việt Nam.
Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người cao niên bị mắc bệnh nan y như tim mạch, đột quỵ và bệnh phổi ở những nước có thu nhập trung bình và thấp sẽ bị thiệt thòi, giảm tuổi thọ 3 lần so với người già ở những quốc gia phát triển. Ngoài ra nhóm người già ở những nước nghèo còn phát sinh thêm các bệnh về mắt và tai do chi phí y tế thấp, thiếu thuốc men và chất lượng thuốc kém…
Gắn kết xã hội – “thuốc thần” chữa cho người cao tuổi
Theo quan điểm của WHO, khi nói về chăm sóc sức khỏe thông thường chúng ta nghĩ ngay đến vấn đề bệnh tật. Khi có bệnh thì người ta không được khỏe, nhưng sức khỏe không chỉ là vấn đề bệnh tật.
Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện cả về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật.
Như vậy chăm lo sức khỏe cho người cao tuổi là chăm lo cho họ được khỏe mạnh, được kéo dài tuổi thọ, được thỏa mãn những nhu cầu về thể chất và tinh thần.
Để làm được việc này, TS. Chung Á cho rằng, điều hết sức quan trọng là phải gắn kết NCT với nhịp sống xã hội, không được tách biệt họ ra khỏi xã hội, lôi cuốn họ tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của họ.
Ngày nay khi mà xu hướng biến đổi của các gia đình truyền thống ở các đô thị thì bên cạnh việc tổ chức chăm sóc NCT tại các gia đình, nên nghĩ đến việc tổ chức những trung tâm (hay cơ sở) chăm sóc toàn diện cho NCT phù hợp với nhu cầu, tuổi tác và hoàn cảnh của họ.
Hệ thống chăm sóc này cần có nhiều mô hình hoạt động khác nhau. Có những cơ sở từ thiện do nhà nước và sự đóng góp của xã hội để chăm sóc cho NCT.
Có những cơ sở phục vụ theo tiêu chuẩn cao cho những người có điều kiện kinh tế mà con cháu họ sẽ đóng góp là chủ yếu. Có những cơ sở chăm sóc NCT cô đơn, không nơi nương tựa…
“Dù là mô hình nào thì nhân tố gắn kết với xã hội, không tách rời với xã hội là nhân tố quan trọng hàng đầu” – PGS. TS. Chung Á khẳng định.
|
Trước thực tế, số lượng người già tăng, tuổi thọ kéo dài và các bệnh nan y mãn tính ngày càng gia tăng đòi hỏi chúng ta phải có một chính sách hợp lý và hữu hiệu để cải thiện và nâng cao sức khỏe cho NCT.
Từ manh mún nghiên cứu để manh mún thực hiện
Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, đồng thời ban hành nhiều văn bản, chính sách ưu đãi đối với NCT. Trong đó, các nội dung thể hiện rõ nhất ở Luật NCT và Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật này vẫn chưa cao.
Hiện nay, công tác tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho NCT tại cộng đồng còn ít, tại nhiều địa phương, các hoạt động này chủ yếu mang tính đơn lẻ, tự phát. Việc tổ chức các câu lạc bộ NCT, câu lạc bộ dưỡng sinh… cũng được manh nha thành lập nhưng còn nhiều hạn chế và bị chi phối bởi kinh phí hoạt động hạn hẹp và đối tượng tổ chức.
Đặc biệt, công tác khám, chữa bệnh cho NCT vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức. Mặc dù, các trung tâm chăm sóc sức khỏe NCT được xây dựng khá nhiều, song tình trạng thiếu hụt nhân lực chăm sóc NCT ở các trung tâm này là một vấn đề đáng quan tâm, xuất phát từ quan niệm cho rằng việc chăm sóc NCT ở nước ta chưa phải là một nghề, do đó người điều dưỡng chưa được trang bị đầy đủ về tâm lý, kỹ năng tiếp cận cũng như chăm sóc người già.
Và vì nhiều lý do khác nhau, tình trạng các cụ phải tự bỏ tiền để khám chữa bệnh vẫn còn phổ biến, do vậy chi phí khám chữa bệnh đã, đang là một gánh nặng cho người cao tuổi và gia đình.
Không chỉ có vậy, theo nhận xét của PGS. TS. Chung Á, Hội Xã hội học Việt Nam, cho đến nay ở phạm vi quốc tế cũng như ở nước ta tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu về sức khỏe của NCT. Tuy nhiên các nghiên cứu đó thường chỉ tập trung vào việc nghiên cứu bệnh tật của NCT (rất nhiều nghiên cứu về bệnh tim mạch, về dinh dưỡng, về các bệnh mà NCT thường gặp phải).
Hiện nay còn rất thiếu vắng những nghiên cứu xã hội học một cách toàn diện về nhóm NCT. Theo TS Chung Á cho biết, bản thân ông cũng đã tiến hành vài chục công trình nghiên cứu khoa học về các nhóm xã hội khác nhau như nghiên cứu về công nhân, nông dân, phụ nữ, trí thức, thanh niên, thiếu niên, trẻ em … nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào về nhóm xã hội đặc thù này.
Một trong những lý do dẫn đến việc có ít công trình nghiên cứu toàn diện về NCT, theo PGS. TS. Chung Á là do: Trước hết về mặt nhận thức, vai trò to lớn của NCT trong xã hội đã không được nhìn nhận đúng mức.
Hầu như sự đầu tư của nhà nước, của các tổ chức xã hội và hỗ trợ quốc tế cho nghiên cứu khoa học về NCT rất ít. Cũng chính vì vậy mà hoạt động hỗ trợ, chăm sóc và phát huy vai trò của NCT đã không được chú trọng.
Cũng theo nhận xét của TS. Chung Á, tuy Hội NCT đã được thành lập từ lâu và phát triển thành hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, nhưng nội dung và hình thức hoạt động còn rất nghèo nàn, chủ yếu là một số hoạt động câu lạc bộ, là chăm lo thăm hỏi ốm đau và tang lễ cho những NCT qua đời….
Lâm Quỳnh