Chặn hiểm họa từ doanh nghiệp 'sân sau' - Kỳ 3: Nguyên nhân và những hệ lụy

(PLVN) - Khi người dân và doanh nghiệp giảm niềm tin vào môi trường kinh doanh bình đẳng, họ sẽ giảm đầu tư, giảm tiếp cận công nghệ mới, giảm khả năng cạnh tranh… Thay vào đó, sẽ tăng tần suất sử dụng phong bì và “đánh quả” là chính, từ đó gây lũng đoạn nền kinh tế, tàn phá đất nước.
Các vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng vừa qua cho thấy hiệu quả không cao của công tác kiểm soát quyền lực và thực thi pháp luật, làm giảm sút niềm tin của người dân và DN. (Ảnh minh họa: Quang Cường)
Các vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng vừa qua cho thấy hiệu quả không cao của công tác kiểm soát quyền lực và thực thi pháp luật, làm giảm sút niềm tin của người dân và DN. (Ảnh minh họa: Quang Cường)

“Bẻ lái” pháp luật

Nhìn vào thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng lũng đoạn từ DN “sân sau”, như việc giám sát, kiểm tra, thanh tra rất kém; do đạo đức công vụ, thực thi pháp luật của cán bộ, công chức còn nhiều vấn đề; do môi trường kinh doanh không ít rủi ro… Những vấn đề đó dễ khiến cho bất kỳ DN nào cũng có thể vi phạm, mà khi đã vi phạm thì một bộ phận cán bộ, công chức thường lạm dụng việc này để “bẻ lái” pháp luật nhằm trục lợi; từ trục lợi họ đã biến DN đó thành “sân sau”. Các vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng vừa qua cho thấy, công tác kiểm soát quyền lực và thực thi pháp luật chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng.

Trong ba nhiệm kỳ gần đây, Trung ương đã ban hành khá nhiều nghị quyết, quy định liên quan đến vấn đề nêu gương, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Để chống chủ nghĩa cá nhân, cùng với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta có thêm Quy định 37/QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định 37/QĐ/TW đã tập trung vào hai nhóm vấn đề, trong đó quy định về những việc làm sai trái trong công tác cán bộ, như: lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vụ lợi, tham ô, hối lộ, tiêu cực; tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, DN... “Đây là những quy định được ví như những “biệt dược” giúp chúng ta phòng, chống, ngăn ngừa và đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng và hệ thống chính trị, giúp cho cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, tư cách, lối sống...” - cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ khi phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (tháng 12/2021).

Nhiều khi người ta đổ lỗi cho chúng ta thiếu quy định, nhưng tôi cho rằng nói như vậy không chính xác. Chúng ta có nhiều chứ không thiếu, tất nhiên là cần hoàn thiện, bổ sung. Vấn đề quan trọng nhất là có mà không thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an.

Để chống hành vi thao túng, trục lợi từ các DN “sân sau”, hệ thống pháp luật của chúng ta đã tương đối chặt chẽ, từ quy định chung trong Luật Cán bộ, công chức đến các Luật chuyên ngành như Luật Đấu thầu, Luật Cạnh trạnh, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN)… Đặc biệt, đối với vấn đề xung đột lợi ích, Luật PCTN và nghị định hướng dẫn thi hành cũng quy định rõ những lĩnh vực mà người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức đã và đang phụ trách thì vợ, con, bố mẹ và người thân trong gia đình của họ không được tham gia… Nhưng trên thực tế thực hiện lại không tốt.

“Chúng ta đã có rất nhiều quy định về nêu gương, về những việc đảng viên không được làm..., quan trọng là tổ chức thực hiện như thế nào. Lê-nin đã nói, có luật mà không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn thì còn nguy hiểm hơn là không có luật” - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an nói - “Nhiều khi người ta đổ lỗi cho chúng ta thiếu quy định, nhưng tôi cho rằng nói như vậy không chính xác. Chúng ta có nhiều chứ không thiếu, tất nhiên là cần hoàn thiện, bổ sung. Vấn đề quan trọng nhất là có mà không thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm”.

Thiếu trách nhiệm, ngại đấu tranh

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, ông từng nói chuyện với một số DN trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng có tiềm lực rất mạnh, rất lớn. Họ có khả năng đầu tư các dự án mà chính quyền các cấp đưa ra, song những DN này không tham dự đấu thầu, bởi họ biết những dự án đó đã có sự “chèn thầu lạ, cài thầu quen”, họ biết mình chỉ là “quân xanh, quân đỏ”.

“Một số DN chia sẻ với tôi rằng, dù họ không đấu thầu, không tham gia trực tiếp, nhưng cuối cùng họ vẫn là người làm, bởi vì đơn vị trúng thầu không có năng lực để làm việc đó… Rõ ràng là những xung đột kiểu này đã được liệt kê trong các luật với tên gọi “Những điều bị nghiêm cấm”. Như vậy, vấn đề không còn ở chỗ thiếu hay không thiếu các quy định” - Chủ tịch VIAC dẫn chứng.

Thừa nhận vấn đề thực thi chính sách, pháp luật còn yếu, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết, thời gian qua, rất nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn đều không phải do cơ quan, đơn vị, tổ chức hay cá nhân trong đơn vị đó phát hiện; tức là nội bộ không phát hiện ra. Trong khi đó, các nhà đầu tư cạnh tranh bên ngoài, các Hiệp hội DN, các cơ quan quản lý nhà nước nhiều khi biết mà vẫn không làm. Ví dụ như các DN cạnh tranh với Thuận An, Phúc Sơn, AIC, Việt Á… dù biết có khuất tất, có sự “chống lưng” của một số quan chức cho các DN này, nhưng không ai tố cáo. Rõ ràng ở đây có sự vi phạm quyền được cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, nhưng không ai trong các đối tượng trên - kể cả các hiệp hội (với danh nghĩa đứng ra bảo vệ lợi ích cho hội viên của mình) có ý kiến, không đấu tranh cho công bằng, lẽ phải.

Tổn hại nghiêm trọng niềm tin

Đánh giá hậu quả của các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhiều người thường thiên về định lượng, tức là tính mức độ thiệt hại về vật chất. Tuy nhiên, hệ lụy quan trọng nhất là niềm tin của người dân vào môi trường lành mạnh, tính cạnh tranh của nền kinh tế, tính ổn định chính trị mà chúng ta vốn coi là một trong những lợi thế của Việt Nam khi thu hút đầu tư nước ngoài. Những điều này đang bị tổn hại nghiêm trọng dù công cuộc “đốt lò” vẫn được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục thúc đẩy và củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Mọi người nhìn thấy một con số không nhỏ cán bộ, đảng viên và quan chức thuyết giảng rất hay về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nhưng thực tế thì họ đã “dính chàm” từ trước đó rất lâu. “Những cán bộ này làm suy sụp niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. Tôi thấy đây là điều đáng sợ nhất. Nếu Đảng, Nhà nước mất niềm tin trong dân thì sẽ đồng nghĩa với mất chỗ dựa. Dễ hiểu vì sao mà Bác Hồ cũng như những bậc thánh nhân của đất nước ta là Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo… đều nhấn mạnh “Dân là gốc”, “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”” - GS Lê Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Trên thực tế, nhiều DN không có lợi thế hơn hẳn nhưng vẫn giành được nhiều cơ hội hơn mà không phải từ việc đầu tư bằng năng lực tài chính, năng lực công nghệ, quản trị… Điều này khiến các DN còn lại trong ngành đó, địa phương đó cho rằng, không cần phải đầu tư, cạnh tranh gì cả, cứ chạy theo quan hệ sẽ được việc. Khi các DN giảm niềm tin thì sẽ giảm đầu tư, giảm tiếp cận công nghệ mới, giảm khả năng cạnh tranh… Ngược lại, họ sẽ tăng tần suất sử dụng phong bì và “đánh quả” là chính, từ đó gây lũng đoạn nền kinh tế, tàn phá đất nước... Vấn đề này cần phải chú trọng, phân tích, đánh giá toàn diện thì mới dám thay đổi những giải pháp, thay đổi chủ trương.

“Mất mát, thiệt hại lớn hơn là hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư trong mắt của các đối tác nước ngoài bị ảnh hưởng không nhỏ và nguy cơ là chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều dự án có vốn đầu tư FDI. Ngoài ra, những tiêu cực từ “sân sau” ảnh hưởng không chỉ thu hút FDI mà còn bị các nước “soi” kỹ khi xem xét công nhận cho Việt Nam có nền kinh tế thị trường” - Luật sư Trần Hữu Huỳnh nhìn nhận.

Có thể nói, hậu quả vật chất mà các vụ án “sân sau” gây ra cho nền kinh tế vô cùng lớn. Tuy nhiên, những tài sản này bị lấy đi thì chúng ta vẫn còn cơ hội thu hồi để trả lại cho dân, cho ngân sách nhà nước - dù không phải tất cả, nhưng ít ra vẫn có những thứ bù đắp. Nhưng mất niềm tin của người dân thì mất tất cả, bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành:

Câu chuyện tham nhũng hay doanh nghiệp “sân sau” không phải là mới, nhưng thời gian vừa qua, chúng ta cảm nhận được mức độ nghiêm trọng và phạm vi của nó vô cùng lớn. Đây là thực trạng rất đáng buồn. Buồn vì chúng ta thực sự cần sự phát triển, sự lớn lên của DN nói chung và DN khu vực tư nhân nói riêng, bởi bên cạnh hiệu quả của bản thân DN, còn có lợi ích của đất nước. Thế nhưng, những vụ việc, vụ án vừa qua làm cho niềm tin, kỳ vọng của Nhân dân có phần giảm sút.

Tuy nhiên, đằng sau những vụ việc chấn động như vừa qua đã đặt ra vấn đề lớn buộc chúng ta phải suy nghĩ, phải nhìn ra cái mới hơn là làm thế nào để tiếp tục công cuộc đổi mới, nỗ lực cải cách nhằm tái cấu trúc nền kinh tế cho những bước đi tiếp theo.

Đọc thêm