Chặng đường 'thay da đổi thịt' của Hải Phòng

(PLVN) - Xuất phát sau so với các tỉnh, thành trên cả nước nhưng hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay bức tranh nông thôn tại Hải Phòng đã thay đổi cả về chất và về lượng. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào lớn, nông thôn Hải Phòng thực sự “thay da, đổi thịt”.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ động viên, ghi nhận nhân dân xã Thụy Hương, Kiến Thụy hiến đất làm đường nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ động viên, ghi nhận nhân dân xã Thụy Hương, Kiến Thụy hiến đất làm đường nông thôn mới.

Những con số “biết nói”

Sau hơn 10 năm, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và nhân dân Hải Phòng tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Năm 2010, số tiêu chí về NTM tại các xã trên địa bàn Hải Phòng bình quân đạt 5,76 tiêu chí/xã, nhiều xã mới đạt 2 - 3 tiêu chí. Tuy nhiên, đến hết năm 2019, Hải Phòng có 139/139 (đạt 100%) xã hoàn thành xây dựng NTM, cao gần gấp đôi bình quân toàn quốc (đạt 50,26%). Với kết quả này, Hải Phòng đã hoàn thành mục tiêu Đại hội XV đề ra trước 01 năm.

Theo đánh giá chung, chất lượng nhiều tiêu chí tại Hải Phòng đạt ở mức cao hơn so với chuẩn NTM như: Đường giao thông trục thôn, xóm, nội đồng được bê tông hóa (Trung ương quy định chỉ cần cứng hoá). Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp tưới, tiêu chủ động đạt 100% (Trung ương quy định 80%). Tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước sạch nông thôn đạt 92,1 % (Trung ương quy định 65%). Tỷ lệ hộ nghèo còn 1% (cả nước 4,5%).

Đến hết năm 2019, sau 10 năm xây dựng NTM, Hải Phòng đã có 5.711km đường giao thông được nâng cấp, cải tạo; 269 trạm bơm điện, kiên cố hóa; trên 4.600km kênh mương được nạo vét; 393,65km đường dây trung thế, hạ thế; 1.137 trạm biến áp; 559 công trình trường học các cấp; 629 công trình văn hoá; 50 chợ nông thôn; 48 công trình y tế, 37 hệ thống cấp nước đạt quy chuẩn nước đô thị.

Để có được những kết quả ấn tượng trên, chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hải Phòng ban hành nhiều cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Theo chủ trương của Thành ủy, HĐND TP đã ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng để nhân dân xây dựng đường thôn xóm, đường nội đồng; hỗ trợ gạch, xi măng để xây mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách. Nhờ có cơ chế sáng tạo này, Hải Phòng đã huy động được một nguồn lực lớn từ sự đóng góp tự nguyện của nhân dân: hoàn thành hơn 5.000km đường nông thôn, xây dựng mới hàng nghìn ngôi nhà cho các gia đình chính sách.

Xã Tân Dân, huyện An Lão tích cực xây dựng NTM kiểu mẫu.
Xã Tân Dân, huyện An Lão tích cực xây dựng NTM kiểu mẫu.

Năm 2016, Hải Phòng hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng hạ tầng xã NTM; xác định mức hỗ trợ bình quân cụ thể cho mỗi xã để hoàn thành, đạt chuẩn theo lộ trình từng năm. Theo đó, từ 2016 đến 2017, có 25 xã được hỗ trợ 22 tỷ đồng/xã; năm 2018 có 15 xã hỗ trợ 24 tỷ đồng/xã; năm 2019 có 50 xã được hỗ trợ 25 tỷ đồng/xã. Tổng nguồn vốn ngân sách địa phương từ TP, huyện, xã đạt 25.727 tỷ đồng, chiếm 55% tổng nguồn vốn huy động để xây dựng NTM. Mức đầu tư từ ngân sách tăng theo các năm, giai đoạn 2016 - 2019 tăng 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015.

Chỉ sau vài năm, kết cấu hạ tầng nông thôn gồm giao thông, thuỷ lợi, trường học, văn hoá, thông tin truyền thông… được đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ bản đồng bộ, hiện đại làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Các tuyến đường tại huyện Tiên Lãng được mở rộng, nâng cấp.
Các tuyến đường tại huyện Tiên Lãng được mở rộng, nâng cấp.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách để xây dựng NTM, người dân Hải Phòng đã đóng góp hơn 6.588 tỷ đồng, huy động nguồn vốn tín dụng đạt 10.613 tỷ đồng. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2019, nguồn vốn doanh nghiệp, hợp tác xã huy động ước đạt 3.153 tỷ đồng, bằng 6,3 lần giai đoạn 2010 - 2015.

“Dân biết, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM tại Hải Phòng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, xây dựng NTM là thách thức rất lớn, nhiệm vụ nặng nề với Hải Phòng, một TP có đến 55% dân cư sống ở nông thôn, 53% diện tích là nông nghiệp.

“Hải Phòng đã thành công trong việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong tổng nguồn lực huy động gần 47.000 tỷ đồng thì có tới 45% là huy động từ xã hội. Việc huy động ngày công, việc đóng góp đất của nhân dân tính ra gần 1.000 tỷ đồng, trong đó có hộ đóng góp 7 tỷ đồng, có hộ 1 tỷ đồng, có hộ 1-2 triệu đồng tùy hoàn cảnh, thu nhập. Hình ảnh Nhà nước và nhân dân cùng làm trong phát triển hạ tầng rất đáng trân trọng”, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một chuyến công tác về Hải Phòng đã nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng khẳng định: “Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của toàn thể nhân dân Hải Phòng đã làm nên thành công của chặng đường xây dựng NTM. Hải Phòng luôn lấy phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng” để huy động mọi nguồn lực trong nhân dân và làm kim chỉ nam cho mọi kế hoạch, chủ trương được ban hành”.

Tuyến đường vào trụ sở UBND xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên vừa hoàn thành.
Tuyến đường vào trụ sở UBND xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên vừa hoàn thành.

Hơn mười năm thực hiện chương trình NTM đã tạo sự chuyển biến cả về lượng và chất đối với Hải Phòng. Sự gắn kết giữa một đô thị hiện đại, một cảng biển lớn ở trung tâm với khu vực nông thôn xung quanh đã định hình tương đối rõ nét. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho rằng, vẫn còn một số tồn tại trong chặng đường đã qua: Chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh sang sản xuất rau màu và cây ăn quả; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp chậm hình thành. Sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu còn ít, chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức.

Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm nhiều vùng nông thôn chưa giữ được vững chắc bản sắc, giá trị truyền thống. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn còn diễn biến phức tạp, chất thải rắn thu gom và xử lý bằng công nghệ đơn giản. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp có chuyển biến nhưng kết quả chưa cao. Công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch NTM còn chưa kịp thời, phù hợp với tình hình mới.

Xây dựng NTM là mục tiêu lâu dài, do đó, Hải Phòng đã và đang tập trung các nguồn vốn để ưu tiên phân bổ cho các địa phương xây dựng NTM kiểu mẫu. Năm 2020, Hải Phòng đã triển khai thí điểm xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu, đã phân bổ trên 1.083 tỷ đồng cho 08 xã thuộc 07 huyện. Dự kiến, trong năm 2021, Hải Phòng sẽ chi mạnh 2.500 tỷ đồng để tiếp tục triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu đối với 14 xã tiếp theo.

Thời gian qua, Hải Phòng đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đã hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Thu nhập bình quân đầu người trong sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt 56,4 triệu đồng/năm, tăng 52% so với năm 2015 (36,9 triệu đồng/người). Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 15.335,9 tỷ đồng, gấp 1,08 lần năm 2015 (14.235,8 tỷ đồng), tăng bình quân 1,5%/năm.

Đọc thêm