Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đến ngày 30/9/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 210.201 tỷ đồng, tăng 15.780 tỷ đồng so với năm 2018. Trong đó, nguồn vốn điều lệ đạt 17.288 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương 14.618 tỷ đồng, tăng 2.809 tỷ đồng so với năm 2018; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trên thị trường đạt 27.200 tỷ đồng, tăng 2.144 tỷ đồng.
Tổng dư nợ toàn hệ thống đến 30/9/2019 đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng (tăng 6,9%) so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 175.308 tỷ đồng, tăng 10.166 tỷ đồng (tăng 6,2%) so với cuối năm 2018, hoàn thành 76,9% kế hoạch. Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, học sinh, sinh viên và hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở.
Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,74% tổng dư nợ.
Doanh số cho vay trong 9 tháng đạt đạt 54.983 tỷ đồng, tăng 6.156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với hơn 1.620 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 162 nghìn lao động, trong đó hơn 4,8 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Với sự đồng hành của vốn chính sách, hơn 12 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học tập, hơn 1 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng. Cùng với đó, trên 12 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và hơn 3 nghìn căn nhà ở xã hội được xây dựng...
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, NHCSXH đã tích cực làm việc với các bộ, ban ngành TW và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng và Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 10.810 tỷ đồng. Riêng 09 tháng năm 2019, nguồn vốn này tăng 2.809 tỷ đồng so với cuối năm 2018, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến 30/9/2019 đạt 14.618 tỷ đồng. Song song đó, các địa phương trong cả nước còn tiếp tục quan tâm hỗ trợ NHCSXH về trụ sở, phương tiện và trang thiết bị làm việc.
Để hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, NHCSXH tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2019. Theo đó, NHCSXH chủ động tổ chức huy động vốn theo kế hoạch đã giao nhằm đáp ứng nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng, xây dựng kế hoạch huy động vốn để đáp ứng nhu cầu giải ngân khi được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch tăng trưởng dư nợ năm 2019.
Bên cạnh đó, NHCSXH tiếp tục phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo hạn mức được phê duyệt, đồng thời tập trung tổ chức giải ngân kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng.