Nước Pháp đã sẵn sàng cho Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu mang tên “Một Hành tinh” diễn ra ngày 12/12 tại thủ đô Paris (Pháp), đúng 2 năm sau thắng lợi lịch sử của Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 21) khi tất cả 195 quốc gia thành viên đã nhất trí thông qua Thỏa thuận Paris.
Báo động nguy cơ biến đổi khí hậu
Theo các chuyên gia, thời điểm hiện nay là rất cấp thiết để đưa ra những cách thức mới chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các chuyên gia yêu cầu các nhà lãnh đạo châu Âu phải đàm phán càng sớm càng tốt một hiệp ước về tài chính đối với vấn đề này với thời hạn ít nhất 30 năm.
Sáng kiến này được Bộ trưởng Môi trường Pháp Nicolas Hulot ủng hộ. Theo ông, khi đối mặt với khủng hoảng tài chính trong quá khứ, châu Âu đã tìm ra các giải pháp huy động hàng trăm tỷ euro. Vì vậy, không có lý do nào để biện minh rằng châu Âu không thể tìm ra phương cách trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Điện Elysee vẫn từ chối bình luận về dự án hiệp ước đó cho dù Hội nghị Thượng đỉnh Paris lần này chủ yếu để bàn về các vấn đề tài chính trước thách thức về khí hậu. Cũng liên quan đến vấn đề này, một nhóm các nhà kinh tế đến từ 20 quốc gia ngày 7/12 vừa qua đã yêu cầu cắt đứt hoàn toàn các nguồn tài chính dành cho việc khai thác các nhiên liệu hóa thạch.
Theo ông Jean Jouzel, thành viên của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, lượng phát thải khí CO2 đã tăng trở lại trong năm 2017, sau khi đã ngừng tăng trong khoảng thời gian 2014-2016. Nhà kinh tế học Pierre Larrouturou cho biết thế giới hiện đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính do sự gia tăng nợ công và nợ tư nhân cũng như do chính sách giải ngân để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các ngân hàng trung ương. Ông đã đề xuất dành 1.000 tỷ euro (1.179,6 tỷ USD) cho việc tài trợ quá trình chuyển đổi năng lượng.
Sau khi hạ lãi suất xuống 0%, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực sự bắt đầu quá trình nới lỏng định lượng (QE), một loại chính sách tiền tệ được các ngân hàng trung ương sử dụng để kích thích nền kinh tế khi chính sách tiền tệ không còn phát huy tác dụng. Từ tháng 3/2015, ECB mua lại rất nhiều nợ công và nợ doanh nghiệp. Biện pháp này đã làm giảm tỷ lệ vay của các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo biện pháp đó có thể làm tăng đầu cơ tài chính và “bong bóng” kinh tế, tạo tiền đề cho cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Tìm nguồn tiền “đầu tư xanh”
Để hạn chế rủi ro, các chuyên gia đề xuất chuyển 50% QE cho nguồn tài chính của quá trình chuyển đổi năng lượng. Trên thực tế, ECB có thể cho Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) vay nhiều hơn nữa để đầu tư vào các “dự án xanh”. Ngoài thuế đánh vào phát thải khí CO2 và thuế đối với các giao dịch tài chính, các chuyên gia cũng đề nghị trích ra 5% thuế doanh nghiệp tại các quốc gia thành viên cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Những nguồn tài chính trên sẽ giúp triển khai một thỏa thuận về khí hậu và có thể dẫn đến một hiệp ước mới của châu Âu. Theo ông Jean Jouzel, dự án cụ thể này sẽ huy động sự tham gia của tất cả công dân. Nghị sĩ châu Âu Philippe Lamberts nhấn mạnh đây cũng là một cuộc cạnh tranh kinh tế. Theo ông, châu Âu đã bỏ lỡ dấu ấn cách mạng kỹ thuật số của Google và Facebook. Châu Âu sẽ thất bại hoàn toàn nếu không nắm lấy cơ hội lãnh đạo quá trình chuyển đổi năng lượng. Đó là chưa tính đến số lượng việc làm lớn mà “đầu tư xanh” này có thể tạo ra. Theo dự báo của Cơ quan quản lý môi trường và năng lượng Pháp, “đầu tư xanh” tạo ra 900.000 việc làm tại Pháp và khoảng 6 triệu việc làm trong Liên minh Châu Âu (EU).
Ý tưởng chuyển hướng đầu tư vào hệ sinh thái nhận được sự ủng hộ của phần lớn các nhà kinh tế, như Gael Giraud, nhà kinh tế trưởng của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Alain Grandjean, người sáng lập hãng tư vấn Carbone 4. Tuy nhiên, mọi thay đổi đều không dễ dàng. Sau Hội nghị Thượng đỉnh lần này, các nhà khí hậu học và kinh tế học sẽ có 1 năm để thu thập 3 triệu chữ ký trên khắp châu Âu. Theo ông Pierre Larrouturou, có thể tổ chức 1 cuộc trưng cầu ý dân về 1 hiệp ước châu Âu mới, trong đó bao gồm việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Cuộc trưng cầu ý dân này nên được tổ chức cùng ngày ở tất cả các quốc gia, vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Không chỉ Pháp mà Đức cũng nhận thức được tình trạng khẩn cấp của cuộc chiến này. Ông Pierre Larrouturou cho rằng liên minh mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đàm phán để thành lập chính phủ mới có thể thúc đẩy việc thông qua hiệp ước châu Âu về chống biến đổi khí hậu. Trong bất kỳ trường hợp nào, cặp đôi Pháp-Đức sẽ là yếu tố quyết định để thực hiện dự án này. Nếu không sẽ rất khó thuyết phục các quốc gia thành viên khác dành một phần thu nhập của họ cho “đầu tư xanh”...