Tuy cuộc bỏ phiếu chỉ mang tính tượng trưng nhưng động thái này có thể làm gia tăng căng thẳng hai miền Bắc-Nam Italy và đổ dầu vào ngọn lửa ly khai đang gia tăng tại châu Âu.
Làn sóng đòi ly khai tràn sang Italy
Tiếp nối sau cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của chính quyền vùng Catalunya (Tây Ban Nha), vào ngày 22-10 vừa qua, chính quyền hai khu vực Lombardy và Veneto ở phía Bắc Italy cũng đã tiến hành trưng cầu ý dân về mức độ tự trị của khu vực. Không giống như cuộc trưng cầu ý dân ở Catalunya, vốn bị chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố là trái phép, các cuộc trưng cầu ở hai vùng trên của Italy được tổ chức phù hợp với Hiến pháp nước này.
Tuy nhiên kết quả chỉ mang tính chất tham khảo. Và theo kết quả được công bố, đã có hơn 90% người dân ở Lombardy và Veneto, dưới sự dẫn dắt của Đảng Liên minh phương Bắc (Lega Nord) đã chọn bỏ phiếu "Có" về mức độ tự trị.
Italy hiện có 20 vùng, trong đó có 5 vùng đang được hưởng quy chế tự trị đặc biệt. Các hội đồng vùng Sardinia, Sicily, Trentino-Alto Adige/Südtirol, Aosta Valley và Friuli-Venezia Giulia đã được Chính phủ Italy trao cho các thẩm quyền đặc biệt liên quan đến vấn đề quản lý và lập pháp.
Lâu nay, vùng Lombardy nổi tiếng được biết đến với kinh đô thời trang Milan, còn thành phố nổi tiếng Venice là thủ phủ của vùng Veneto. Hai khu vực miền Bắc này chiếm tới 1/4 dân số Italy và đóng góp tới 30% tổng sản phẩm quốc nội. Với lợi thế kinh tế mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp và phúc lợi xã hội cao hơn so với mức trung bình cả nước, hai vùng Lombardy và Veneto hiện cũng đang đấu tranh để được trao quy chế tự trị đặc biệt, trong đó có quyền tự quyết lớn hơn trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và môi trường.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, việc khu vực phía Bắc giàu có muốn giành nhiều quyền từ quyết về tài chính hơn từ chính phủ sẽ gây ra những phản ứng từ các khu vực kém phát triển ở phía Nam Italy. Nếu chính phủ trung ương nhượng bộ về tài chính cho phía Bắc sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ khu vực phía Nam, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ vốn có giữa hai miền.
Vì thế, cuộc bỏ phiếu ở hai khu vực Lombardy và Veneto đang có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng khu vực, gây chia rẽ hai miền Bắc-Nam và đổ dầu vào ngọn lửa ly khai tại châu Âu. Bởi sau cuộc trưng cầu của hai khu vực Lombardy và Veneto, nhiều khả năng sẽ dẫn tới hiệu ứng “domino” đối với nhiều vùng trên lãnh thổ Italy như Liguria và Emilia Romagna.
Lombardy và Veneto là 2 vùng giàu có bậc nhất Italy |
Mối lo hiệu ứng dây chuyền
Theo các nhà phân tích, việc đòi quyền tự trị của hai vùng Lombardy và Veneto của Italy được cho là do ảnh hưởng từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và cuộc khủng hoảng chính trị ở Tây Ban Nha hiện nay khi vùng tự trị Catalunya đòi độc lập.
Tuy nhiên, tự trị hay ly khai sẽ là một vấn đề khá nhạy cảm và không được ủng hộ tại châu Âu với lo ngại về nguy cơ hiệu ứng dây chuyền có thể xảy ra. Đối với các nhà lãnh đạo EU, diễn biến tại Catalunya và miền Bắc Italy khiến họ phải đau đầu. Sau khi người Anh bỏ phiếu “Có” cho tiến trình Brexit, những thành viên còn lại của EU đang nỗ lực tăng cường sự đoàn kết nhằm bảo vệ “ngôi nhà chung” khỏi viễn cảnh tan rã. Song, những tác động từ Tây Ban Nha và Italy có thể thổi bùng ngọn lửa ly khai vốn đang âm ỉ trên khắp châu lục.
Tại Bỉ, những người nói tiếng Hà Lan ở vùng Flander thịnh vượng không muốn tiếp tục chi tiêu phúc lợi cho những người nói tiếng Pháp ở miền Nam. Đảo Corse cũng có ý định ly khai khỏi Pháp. Và Scotland không ủng hộ Brexit, mong muốn tách khỏi Anh để ở lại EU. Ngay cả ở Đức, vùng Bavaria đã manh nha ý muốn ly khai, với kết quả từ cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 1/3 người dân muốn rời khỏi Đức. Tại Đan Mạch, quần đảo Faroe tự trị cũng có thể đòi độc lập. Tất cả những điều này giải thích tại sao đa số thành viên EU phản đối việc Catalunya nỗ lực giành độc lập và đã kêu gọi Catalunya tuân thủ Hiến pháp Tây Ban Nha.
Trong bối cảnh đó, nhiều người đã lên tiếng cảnh báo đối với các vùng đang có ý định muốn tự trị hay ly khai cần phải nhìn vào thực tế vấn đề mà chính quyền của vùng Catalunya tại Tây Ban Nha đang phải đối mặt khi theo đuổi kế hoạch độc lập của mình. Hiện chính quyền vùng Catalunya đang bị đặt vào “thế khó”, với nguy cơ “trắng tay” khi chính phủ Tây Ban Nha đã quyết định hạn chế quyền lực nghị viện của vùng, sa thải chính quyền và kêu gọi một cuộc bầu cử mới để thành lập chính quyền mới. Trong khi đó, nếu rút lại kế hoạch tuyên bố độc lập cũng tạo ra sự chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ vùng Catalunya.
Trong khi đó, về khía cạnh kinh tế, các khu vực muốn tự trị hay ly khai đều là những nơi có thế mạnh kinh tế. Tuy nhiên với Catalunya là một điển hình, chính vùng này cũng đang đối mặt với khó khăn khi hàng loạt ngân hàng và tập đoàn lên kế hoạch rút khỏi khu vực. Từ thực tế này cho thấy 2 khu vực phía Bắc Italy đòi quyền tự trị cũng sẽ không nằm ngoài tình trạng nguy cơ gây chia rẽ đất nước, cũng như tạo thêm gánh nặng kinh tế cho chính những người dân trong vùng.
Mối quan hệ giữa chính quyền Tây Ban Nha và lãnh đạo vùng tự trị Catalunya chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Thủ hiến vùng Catalunya Carles Puigdemont từ chối xuất hiện trước Thượng viện tại thủ đô Madrid để giải trình về vấn đề độc lập. Trước đó, ngày 24/10, Thượng viện thông báo trao cơ hội cho ông Puigdemont được tranh luận về việc áp dụng Điều 155 của Hiến pháp nước này nhằm đình chỉ quyền tự trị của chính quyền khu vực Catalunya, cách chức Thủ hiến, đồng thời trao quyền kiểm soát các cơ quan chủ chốt cho Madrid, trước khi Thượng viện "bật đèn xanh" cho Madrid thu hồi các quyền tự trị cấp vùng của Catalunya vào ngày 27/10.
Người dân thành phố Milan ủng hộ tự trị của 2 vùng miền Bắc |
Nói "Không" với cơ hội này đồng nghĩa với việc thách thức chính quyền Madrid đình chỉ quyền tự trị của chính quyền khu vực Catalunya và kiểm soát các cơ quan chủ chốt, trong đó có lực lượng cảnh sát, tại Catalunya. Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha Rafael Catala khẳng định tuyên bố độc lập của chính quyền Catalunya "sẽ không có giá trị pháp lý", thậm chí còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu "xét về mặt hình sự".
Trong khi đó, Catalunya đang chứng kiến làn sóng các công ty rời bỏ vùng lãnh thổ này do lo ngại tình hình chính trị bất ổn. Truyền thông địa phương cho biết từ đầu tháng tới nay đã có hơn 1.500 công ty di rời trụ sở chính khỏi Catalunya, riêng trong ngày 24/10 ghi nhận 107 công ty chuyển đi. Sau cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của chính quyền vùng Catalunya ngày 1/10 vừa qua, Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua một sắc lệnh tạo thuận lợi cho các công ty muốn chuyển trụ sở khỏi địa phương này tới một địa điểm khác trong nước.
Trong thời gian trước mắt, dưới sức ép của chính quyền trung ương, các khu vực có ý tưởng tách ra độc lập chưa thể thực hiện được giấc mơ của mình. Song, không ai có thể lường hết được họ sẽ thực hiện những bước đi nào nếu các nhà lãnh đạo EU không đưa ra được những biện pháp cụ thể. Giống như nước Anh, hai năm trước, không ai sẽ nghĩ ra viễn cảnh về "cuộc chia tay" tốn kém và ồn ào nhưng cuối cùng Brexit vẫn xảy ra. Rõ ràng, EU đang đứng trước một thách thức không nhỏ, có thể đe dọa vận mệnh của một liên minh đã tồn tại hơn 6 thập kỷ./.