- Luật gia Bùi Đức Độ trả lời: Pháp luật dân sự quy định chỉ những người sau đây mới được giám hộ: (1) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; (2) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ; (3) Người mất năng lực hành vi dân sự; (4) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Cá nhân là có đủ điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ; Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Pháp nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ: Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ; Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ. Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Như vậy, trong trường hợp này, con của anh còn cả cha, mẹ nên em của anh không được làm người giám hộ cho cháu mà cha, mẹ là người giám hộ cho con chưa thành niên.
Ông bà có thể tham khảo quy định về vấn đề này ở các Điều 47, 48, 49, 50 Bộ luật Dân sự năm 2015.