Chính phủ thừa nhận việc thực hiện chức năng quản lý và giám sát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) có nơi, có lúc bị buông lỏng, làm thất thoát tài sản của nhà nước.
Thu hồi hơn 1 triệu m2 đất
Thực hiện Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí (TKCLP), Chính phủ cho biết: năm 2010 tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lương của các cơ quan, đơn vị. Mức tiết kiệm trong dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) theo lĩnh vực năm 2010 giao các Bộ, cơ quan ở TW là trên 107,5 tỷ đồng, ở các tỉnh, thành phố là 3911 tỷ.
|
Chính phủ thừa nhận việc quản lý tài sản nhà nước có nơi bị buông lỏng- ảnh MH |
Việc tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản cũng nhiều chuyển biến. Một số Bộ, cơ quan TW đã thực hiện cắt giảm, chưa phân bổ vốn năm 2010 đối với các dự án chưa bảo đảm thủ tục đầu tư 146,8 tỷ đồng. Có 9 tỉnh, TP đã cắt giảm vốn của 92 dự án, hoãn khởi công 1 dự án để bổ sung tăng vốn cho 97 dự án chuyển tiếp với số vốn 401 tỷ đồng.
Thống kê đến tháng 8/2010, đã có 66 Bộ, cơ quan TW, 17 tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước và 47 tỉnh, TP đã đề xuất phương án xử lý 60.189 cơ sở nhà đất. Bộ Tài chính và UBND cấp tỉnh đã phê duyệt trên 46 ngàn cơ sở nhà đất với tổng diện tích gần 886 triệu m2 đất; thu hồi do sử dụng không hiệu quả với tổng diện tích hơn 1 triệu 52 ngàn m2 đất, di dời do ô nhiễm môi trường gần 16 ngàn m2 đất và trên 3 ngàn m2 nhà…
Đặc biệt, việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN, cũng tiếp tục được đổi mới. Tính đến tháng 6/2010, cả nước đã thực hiện sắp xếp 5.615 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là cổ phần hóa (chiếm trên 70%)..
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận vẫn còn một số doanh nghiệp, Tổng Công ty nhà nước kinh doanh thua lỗ, tình hình tài chính không lành mạnh, có biểu hiện buông lỏng…mà điển hình là vụ việc xảy ra ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Cần tăng cường giám sát
Đánh giá việc thực hiện Luật TKCLP, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển ghi nhận: với nỗ lực chung của Chính phủ, các Bộ ngành TW, địa phương, DN và nhân dân đã tiết kiệm cho NSNN nhiều khoản tiền.
Tuy nhiên, ông Hiển thẳng thắn, việc thực hành TKCLP nhiều nơi còn hạn chế. Điển hình là tình trạng sử dụng số vượt thu, nguồn dự phòng, chi tạm ứng, cho vay sai đối tượng, sai chế độ, chi vượt dự toán lớn, vượt chế độ định mức…và tình trạng này “diễn ra nhiều năm vẫn chậm được khắc phục”
Việc phát hiện và ngăn chặn lãng phí trong từng cơ quan đơn vị chưa chuyển biến rõ nét; hầu hết các vụ việc lãng phí đều do giám sát từ bên ngoài nhưng cũng chưa nhiều và theo ông Hiển “nguyên nhân là do chế tài xử lý trách nhiệm cá nhân và người đứng đầu còn chưa mạnh”
Riêng tình hình TKCLP trong việc sử dụng vốn nhà nước tại các DNNN Chủ nhiệm Hiển chỉ rõ: nhiều cơ chế, chính sách quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, các TCty, DNNN bộc lộ nhiều bất cập nhưng chậm được ban hành, hoặc sửa đổi, bổ sung. Việc thực hiện chức năng quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng còn buông lỏng, nhiều DN làm thất thoát tiền, tài sản của nhà nước, đầu tư dàn trải dẫn đến thất thoát. “Sớm tổng kết, đánh giá để sửa đổi đồng bộ các Luật liên quan trong đó có Luật thực hành TKCLP tạo sự thống nhất, quy định rõ trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu, tăng cường chế tài, giám sát…” là đề nghị của Ủy ban Tài chính đối với Quốc hội để thực hành TKCLP trong thời gian tiếp theo.
Huy Hoàng