Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Tập trung khắc phục hậu quả bão số 1

(PLO) - Nhằm khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống sau cơn bão số 1, hôm qua  (28/7), Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1315/CĐ-TTg gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Cây đổ, biển hiệu tan hoang trên một tuyến phố tại Hà Nội sáng 28/7.
Cây đổ, biển hiệu tan hoang trên một tuyến phố tại Hà Nội sáng 28/7.

 Công điện yêu cầu: 

Bộ NN&PTNT tiếp tục theo dõi tình hình ngập úng tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 1, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các biện pháp tiêu thoát nước chống, ngập úng bảo vệ diện tích lúa mới cấy và rau màu. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập theo quy định

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan hỗ trợ các địa phương khẩn trương khắc phục ngay sự cố lưới điện tại các khu vực bị ảnh hưởng, nhất là tại Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, bảo đảm nguồn điện vận hành các trạm bơm tiêu nước chống ngập úng, đồng thời phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với các địa phương đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến giao thông chính và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Các tỉnh ven biển và đồng bằng Bắc bộ chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá thiệt hại do bão, kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả theo các quy định hiện hành. Các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Bắc, Việt Bắc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ…

Trước đó, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 1, tại huyện Mường Khương (Lào Cai) có 151 nhà dân và tại huyện Bảo Thắng có 9 nhà bị tốc mái, trong đó huyện Mường Khương có  gần 50% số nhà dân bị tốc mái hoàn toàn. Ngoài ra, giông lốc quật đổ cây cối khiến 3 phòng học của Trường Tiểu học số 1 thị trấn Mường Khương và cổng Trường Mầm non thị trấn Mường Khương bị đánh sập.

 Do ảnh hưởng của bão số 1, hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong hai ngày qua cũng có mưa vừa đến mưa to, gây lũ. Chính quyền địa phương đã  đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân bằng 2 thứ tiếng phổ thông và tiếng Mông trên hệ thống loa truyền thanh. Huyện Trạm Tấu cũng đã bố trí máy móc, phương tiện và nhân lực ứng trực nhằm kịp thời xử lý các sự cố xảy ra, đặc biệt là tình trạng sạt lở gây ách tắc giao thông trên tuyến tỉnh lộ 174 và các tuyến đường xã…

Tại Hà Nội, từ đêm 27 đến sáng 28/7, trên địa bàn thành phố xảy ra 10 điểm ngập úng; 667 cây xanh bị đổ gây cản trở giao thông, trong đó 4 cây đổ vào xe ô tô, 2 cây đổ làm 5 xe mô tô bị hư hỏng; 2 cột điện đổ và 19 nút đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố. Tại huyện Mỹ Đức có 130 cột điện đổ; 7ha hoa màu bị ngập. Theo thông tin ban đầu, tại huyện Phú Xuyên, gió bão đã quật đổ lan can ngôi nhà khiến 1 người chết, 5 người bị thương. 

Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 6 giờ sáng 28/7, tại Thanh Hóa có 1 người mất tích (là thuyền viên tàu TH 90298 bị hỏng máy và chìm cách đảo hòn Mê khoảng 3,5km. Trên tàu có 6 thuyền viên, trong đó 5 người đã được tàu TH 90817 đi cùng cứu).

Trong đêm 27 và rạng sáng 28/7, bão số 1 đổ bộ gây nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đã có 74.100ha bị ngập úng; 3 tàu cá với 10 lao động bị chìm tại cửa sông Sò khi đang đi trú bão. Đồn Biên phòng Quất Lâm đã cử 6 cán bộ chiến sỹ, 2 phương tiện cứu nạn đưa người trên phương tiện vào bờ an toàn.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, tính đến 9h sáng 28/7, bão số 1 đã làm gần 28.500ha lúa bị ngập, trong đó có 12.903ha lúa bị ngập trắng; diện tích hoa màu bị đổ gãy và giập nát gần 3.000ha; hơn 9.100 cây xanh, cây ăn quả bị đổ; gần 1.000 nhà bị tốc mái; hàng loạt cột điện bị đổ; nhiều biển hiệu quảng cáo bị vỡ…  

Tại tỉnh Thái Bình, đến sáng 28/7, ở tỉnh này có 2 người bị thương do bão. Mưa lớn và kéo dài cũng khiến 39.300ha diện tích lúa bị ngập úng, khoảng 1.900ha diện tích hoa màu bị giập nát. Cơn bão số 1 cũng gây ra sạt lở tại cống Láng Quai dài 4m ở hai bên mang cống, 25 phòng học tại huyện Vũ Thư và 2 nhà máy gạch tại huyện Thái Thụy bị tốc mái. Thống kê ban đầu tại thành phố Thái Bình đã có 9.000 cây xanh bị đổ. 

Tại tỉnh Hưng Yên, bão số 1 cũng đã làm cho hàng trăm cây cối bị đổ gãy, mất điện trên diện rộng. Riêng huyện Khoái Châu ước thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng với hơn 5.000m2 mái che bị tốc; TP Hưng Yên có gần 800ha nhãn bị thiệt hại... 

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sau khi bão số 1 đổ bộ vào đất liền, các hồ chứa thủy điện thuộc EVN đều vận hành bình thường, không xả lũ và các nhà máy điện thuộc EVN cũng đều vận hành ổn định. 

Riêng lưới điện truyền tải đã xảy ra một số sự cố, nhưng đã khắc phục kịp thời ngay sau đó. Đối với lưới điện 110kV, đã có 21 lộ  bị sự cố.  

Về tình hình lưới điện phân phối, ở khu vực Hà Nội, bão số 1 đã làm 99 lộ đường dây trung áp bị sự cố. Còn các tỉnh mà bão đổ bộ đầu tiên khi vào đất liền như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam hôm qua điện đã bị mất hoàn toàn. Khu vực tỉnh Ninh Bình mất điện ở ngoại thành, chỉ còn lại khu vực trung tâm TP Ninh Bình. Bão số 1 “quét” qua cũng khiến Hải Phòng bị sự cố 62 lộ đường dây trung áp; Bắc Ninh mới 6/11 lộ đường dây trung áp được đóng lại sau bão.

Hiện EVN vẫn đang rốt ráo chỉ đạo và tập trung toàn bộ nhân lực, vật tư để kiểm tra, khắc phục nhanh nhất các sự cố về điện tại một số tỉnh miền Bắc. Vũ Lanh

Đọc thêm