Phát biểu khai mạc cuộc họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay, TANDTC đã tổ chức xin ý kiến của các nhà khoa học lịch sử, các giảng viên, những người không nghiên cứu lịch sử, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến trên mạng rất công phu.
Ông cho biết, theo ý kiến của các nhà sử học, việc lựa chọn nhân vật lịch sử đại diện cho nền tư pháp nước nhà cho có ý nghĩa rất lớn trong tôn vinh những cống hiến của các bậc tiền nhân trong trị vì đất nước, xây dựng nền văn hóa nước nhà.
Qua đó cũng khẳng định tinh thần thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật của đất nước, của dân tộc đã có từ hàng trăm năm trước, chứ không phải đến bây giờ.
Việc lựa chọn, tôn vinh nhân vật lịch sử trong lịch sử tư pháp nước nhà còn có tác dụng nghĩa giáo dục truyền thống, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, cổ vũ tinh thần hòa hiếu theo đúng tinh thần của vua Lý Thái Tông.
Theo Chánh án, việc lựa chọn dựng tượng vua Lý Thái Tông làm nhân vật tiêu biểu cho hoạt động xét xử đã được tiến hành rất thận trọng, khoa học, tỷ mỉ, nhất quán và cần thiết. Các nhà khoa học, điêu khắc, văn hóa… đã làm việc hết sức tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm và khoa học.
|
Ba mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông của TAND Tối cao. Ảnh:TANDTC |
Trên cơ sở kết luận của Hội đồng nghệ thuật, TANDTC đã mời Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường sáng tác 03 mẫu phác thảo. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị tác giả tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng và điều chỉnh các mẫu phác thảo này.
Báo cáo quá trình xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và cố Chánh án TANDTC qua các thời kỳ, Chánh Văn phòng TANDTC Ngô Tiến Hùng cho biết, việc lựa chọn nhân vật dựng tượng được triển khai trong 2 năm qua, bảo đảm tính khách quan, thận trọng.
Ông Hùng cho hay, TANDTC đã nhận được nhiều ý kiến tham gia, góp ý, trong đó có nhiều ý kiến đồng tình và đánh giá cao hoạt động đầy ý nghĩa này của TANDTC. Nhưng cũng có những ý kiến không đồng thuận, phản đối việc dựng tượng, cho rằng việc làm này là không cần thiết, gây ra sự tốn kém…
Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp.
Hơn nữa, hiện TANDTC chỉ có kế hoạch xây dựng 01 bức tượng đặt tại Quảng trường Công lý - Trụ sở mới của TANDTC tại 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội. TANDTC không có chủ trương dựng và đặt tượng tại các Tòa án khác.
Kết luận về vấn đề này, đánh giá cao ý kiến góp ý tích cực của người dân, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Trước mắt, trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra, ngành Tòa án chưa đặt ra vấn đề xây dựng tượng đài vua Lý Thái Tông mà dành thời gian tiếp tục hoàn thiện, sáng tác”.
Ông nói thêm: “Việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông nếu tiến hành trong tương lai, vào thời điểm thích hợp sẽ không dùng ngân sách mà là bằng sự đóng góp của toàn thể ngành Tòa án. Đây là việc ngành Tòa án tự nguyện làm để ghi nhận, tôn vinh công trạng của vị Hoàng đế Lý Thái Tông”.
Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, cũng giống như ngành Tư pháp đã chọn cụ Lê Thánh Tông, người đã để lại dấu ấn đậm nét bởi “Bộ luật Hồng Đức” của thời đại cũ; ngành Y tế chọn cụ Hải Thượng Lãn Ông là nhân vật tiêu biểu… thì ngành Tòa án chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng xét xử cũng là chuyện hết sức bình thường.
“Hiện nay, nếu như dư luận có ý kiến cho rằng chọn nhân vật này là chưa phù hợp, vậy có thể có những ý kiến đề xuất nhân vật khác chăng? Chúng tôi nghĩ rằng, ngành Tòa án vẫn nên tiếp tục lắng nghe để nếu có thể chọn nhân vật khác theo đề xuất và dựa trên những tiêu chí mà ngành Tòa án đặt ra. Sự quan tâm, phản biện của xã hội là dấu hiệu đáng mừng, việc lắng nghe để quyết định đúng đắn là hết sức cần thiết”, ông Quốc nói.