Chỉ nên áp dụng đặc xá với một số đối tượng đặc biệt?

(PLO) - Ngày 11/6 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Một trong các vấn đề được quan tâm tại phiên thảo luận tổ trước đó là đặc xá nên áp dụng với những đối tượng nào?
Phạm nhân sau giờ lao động.
Phạm nhân sau giờ lao động.

Luật Đặc xá hiện hành (khoản 1 Điều 10) quy định các điều kiện đặc xá gồm: chấp hành tốt nội quy, quy chế của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động, được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không được làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân. Dự thảo Luật Đặc xá sửa thành: đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 15 năm đối với hình phạt tù chung thân. 

Đối với điều kiện người bị kết án phạt tù về tội phạm tham nhũng hoặc một số tội khác do Chủ tịch nước quyết định thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Dự thảo Luật sửa thành: người bị kết án phạt tù về bất kỳ tội gì đều phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác; trừ trường hợp được Chủ tịch nước xem xét, quyết định đối với khoản tiền phạt bổ sung, án phí; có văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá.

Về vấn đề này, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc sửa đổi điều kiện đặc xá phải đặt trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 mới bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, theo đó, chế định này được thực hiện thường xuyên, mỗi năm 03 đợt.

Khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật đang quy định nhiều điều kiện cụ thể của đặc xá cơ bản giống điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 của Bộ luật Hình sự. Nếu giữ quy định về điều kiện đặc xá như dự thảo Luật hoặc theo hướng chặt chẽ hơn thì sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách do các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá thì cơ bản đã được Tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện, nên hầu như không còn đối tượng để xét đặc xá nữa.

Ngược lại, nếu sửa đổi theo hướng quy định nới lỏng hơn điều kiện đặc xá so với tha tù trước thời hạn thì sẽ không khắc phục được tình trạng đặc xá với số lượng lớn như thời gian qua. Vì vậy, ý kiến này cho rằng trong khi Nhà nước ta đang có đồng thời nhiều chính sách khoan hồng đối với người bị kết án phạt tù thì để quán triệt đúng quan điểm đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước và khắc phục được hạn chế của công tác đặc xá như thời gian qua, dự thảo Luật cần sửa đổi theo hướng: chỉ quy định đặc xá đối với các trường hợp tại khoản 2 Điều 10 của dự thảo Luật.

Theo đó, chỉ áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như: người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…

Về điều kiện: đáp ứng các điều kiện: có ý thức cải tạo tốt, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Riêng điều kiện về thời gian đã chấp hành án thì nên quy định theo hướng ngắn hơn so với điều kiện quy định tại Điều 66 của Bộ luật Hình sự.

Đại biểu Quốc hội Quàng Văn Hương – tỉnh Sơn La cho rằng, hiện nay có rất nhiều loại tội phạm nguy hiểm, việc quy định mở rộng đối tượng đặc xá và thu hẹp các đối tượng không được đề nghị hưởng đặc xá như dự thảo Luật là chưa phù hợp, cần quy định chặt chẽ hơn. Cùng chung quan điểm , đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa – TP. Đà Nẵng cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung đối tượng là tội phạm chiến tranh, tội phạm khủng bố, các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, các phạm nhân có 2 tiền án, các phạm nhân đã từng được hưởng đặc xá vào các trường hợp không được đề nghị đặc xá trong dự thảo Luật.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc sửa Luật Đặc xá phải đặt điều kiện cao hơn tha tù có điều kiện. Mặt khác, Dự thảo Luật quy định các dịp đặc xá gồm: ngày lễ trọng đại đất nước, ngày lễ lớn, dịp đặc biệt. Song theo ông Vương, những thời điểm này cần được làm rõ, nhất là khái niệm “ngày trọng đại đất nước”. “Đặc xá không thể làm thường xuyên một năm mấy lần mà nên năm năm, hay 10 năm một lần”, Thứ trưởng Bộ Công an nêu ý kiến.

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng lo ngại, nếu tăng điều kiện cao quá thì “chẳng có ai để đặc xá nữa”. Ông Hồng cho rằng, tha tù trước hạn là biện pháp tố tụng, còn đặc xá là trường hợp ân xá đặc biệt, chỉ dành riêng cho Chủ tịch nước quyết định. Để đảm bảo tính chất đặc biệt, ông Hồng kiến nghị mỗi lần đặc xá, Chủ tịch nước có thể quy định thêm điều kiện “chứ không nên trói buộc những điều kiện cụ thể vào luật”. 

Đọc thêm