Chiều 20/5, Quốc hội nghe trình bày các tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ
Đề xuất bổ sung dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ sự cần thiết sửa đổi và quá trình xây dựng dự thảo Luật
Về một số nội dung cơ bản, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này; đồng thời, quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng. Bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, nén khí, nén hơi vào nhóm vũ khí quân dụng, trường hợp các loại súng này sử dụng vào mục đích săn bắn thì được xác định là súng săn.
Về các hành vi nghiêm cấm, dự thảo Luật cơ bản kế thừa Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; đồng thời bổ sung một số nội dung nghiêm cấm như: Mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đến nơi công cộng; quảng cáo trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; che giấu, không tố giác, giúp người khác cải tạo, lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ; trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ để quản lý chặt chẽ số vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ. Sửa đổi, bổ sung các quy định về cắt giảm các loại giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hành chính về cấp các loại giấy phép đảm bảo cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công…
|
Quang cảnh phiên làm việc chiều 20/5. (Ảnh: N.L) |
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo Luật liên quan nhiều đến quy định của pháp luật hiện hành, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo Luật bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Trong đó, ý kiến cho rằng, quy định “dao có tính sát thương cao” chưa bao quát hết các loại công cụ tương tự (chông, mìn, bẫy...) có nguy cơ gây sát thương, sẽ trở thành vũ khí nguy hiểm khi sử dụng trái mục đích; đồng thời quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng sẽ không thống nhất với một số quy định của pháp luật hiện hành quy định về vũ khí. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất.
Về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ, đa số ý kiến thành viên Ủy ban cơ bản nhất trí bổ sung quy định này. Song có ý kiến đề nghị quy định tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ cần được giới hạn trong phạm vi ưu tiên tiếp nhận các vũ khí, công cụ hiện đại, được ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới; đồng thời quy định hạn chế hoặc cấm tiếp nhận các loại vũ khí thô sơ; ý kiến khác đề nghị quy định theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt việc tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ trên cơ sở đề nghị của các cơ quan chức năng; đồng thời chỉnh lý về trình tự, thủ tục tiếp nhận, bảo đảm chặt chẽ ngay tại dự thảo Luật.
Bổ sung một số đối tượng cảnh vệ
Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật có một số sửa đổi, bổ sung về đối tượng cảnh vệ.
Cụ thể, đối với nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời, sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng.
Dự thảo Luật cũng bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ. Theo đó, bổ sung nội dung “Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều này”.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. (Ảnh: N.L) |
Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ hiện hành
Về một số nội dung cụ thể, Ủy ban nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng, nhất Kết luận 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và bảo đảm tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.
Ủy ban cũng cơ bản nhất trí với quy định bổ sung áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ như dự thảo Luật, vì cho rằng trong mọi trường hợp thì nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội luôn là nhiệm vụ hệ trọng của quốc gia và được ưu tiên. Việc giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp cụ thể là cần thiết và phù hợp; thực tiễn từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ đối với 56 đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của các Bộ, ban, ngành, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam…