Chỉ rõ các nhiệm vụ, trách nhiệm trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội

(PLVN) - Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và trách nhiệm trong việc thực hiện từ nay đến hết năm 2023 đối với từng cơ quan từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng nêu nhiệm vụ, giải pháp chung chung nhưng không rõ trách nhiệm, dẫn đến hiệu quả triển khai không đạt kết quả như mong muốn...
Đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại phiên họp.

Sáng nay, 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024...

Cụ thể các nhiệm vụ, biện pháp và trách nhiệm trong thực hiện

Trong phát biểu tại phiên họp, các đại biểu QH đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN năm 2023.

Các đại biểu thống nhất cho rằng, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế trong nước, khu vực và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến khó lường nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp nên KT-XH và NSNN 9 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, KT-XH và NSNN 9 tháng đầu năm và ước thực hiện năm 2023 còn bộc lộ nhiều hạn chế như có 5 chỉ tiêu khó đạt hoặc không đạt mục tiêu, trong đó phần lớn là những chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng kinh tế, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, tốc độ tăng năng suất lao động.

Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước nhưng ở mức thấp, 9 tháng tăng trưởng đạt 4,24%, thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn kịch bản Chính phủ xây dựng. Số doanh nghiệp có xu hướng rời thị trường tăng so với cùng kỳ, số doanh nghiệp tham gia thị trường tăng nhưng số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ…

Từ những hạn chế trên, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và trách nhiệm trong việc thực hiện từ nay đến hết năm 2023 đối với từng cơ quan từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng nêu nhiệm vụ, giải pháp chung chung nhưng không rõ trách nhiệm, dẫn đến hiệu quả triển khai không đạt kết quả như mong muốn.

Về dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2024, đại biểu cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5% là cao và đề nghị xây dựng kịch bản tăng trưởng từ 5,5-6% là hợp lý.

Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết.

Về các kiến nghị của Chính phủ với QH, về việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác và hộ kinh doanh, nêu thực tế năm 2023, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm đạt thấp, giải ngân chậm, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục giải ngân đến hết ngày 31/12/2023, số kinh phí còn lại không giải ngân hết đề nghị hủy dự toán và kế hoạch vốn. Đại biểu cũng đồng tình cho kéo dài tời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển của Chương trình, đến hết năm 2024.

Người dân còn phàn nàn vì thủ tục hành chính

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) đề cập tới Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu cho biết, vừa qua, qua tiếp xúc cử tri, đi đến dâu người dân cũng phàn nàn về khó khăn trong thủ tục hành chính, cụ thể là việc cấp sổ đỏ cho người dân. Qua giám sát cho thấy thực tế có rất nhiều nội dung rất trì trệ, từ chính sách pháp luật như Luật Đất đai năm 2013, các nghị định hướng dẫn thi hành, thủ tục hành chính…

“Quá nhiều vướng mắc, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Người dân đi làm sổ đỏ có thể không phải là 1, 2 tháng mà có thể mất 2,3, 5 năm hoặc cũng có thể không thực hiện được.. Thủ tục hành chính cũng quy định rất chặt chẽ là khi trễ hẹn với người dân thì phải xin lỗi nhưng quy trình xin lỗi này không được thực hiện hoặc thực hiện qua loa, chiếu lệ”, đại biểu nói.

Nêu việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn, lãi suất vẫn ở mức cao, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước cơ cấu lại nợ, giảm các loại phí, hạ lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) phân tích, trong 10 chỉ tiêu đạt, có những chỉ tiêu đạt chưa bền vững như thu ngân sách. Theo đại biểu, chỉ tiêu này 3 năm qua đều đạt và vượt nhưng thu ngân sách chủ yếu từ bán tài nguyên, bán dầu thô còn nguồn thu từ đầu tư phát triển chưa đạt, cho thấy chất lượng phát triển của nền kinh tế chưa ổn. Do vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng phát triển, đảm bảo nguồn thu thực chất trong sản xuất.

Nêu phản ánh của cử tri về việc nhiều luật đi vào cuộc sống rất khó vì luật có hiệu lực rồi nhưng chưa có hướng dẫn thi hành, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu và tiếp thu để khắc phục, đảm bảo luật đi vào sớm đi vào cuộc sống.

Về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV, đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan (Đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá cao Chính phủ đã xây dựng kế hoạch và thực hiện rất bài bản, chi tiết.

Từ kinh nghiệm của địa phương, đại biểu đề nghị, đối với các nội dung khó khăn, vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, nhất là những nội dung liên quan đến các luật đã có kế hoạch sửa đổi, bổ sung trong năm 2023 và 2024, Chính phủ đề nghị QH tích hợp vào để sửa đổi, bổ sung cho kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho từ trung ương đến địa phương.

“Nếu không tháo gỡ được những khó khăn này thì tình trạng “dưới hỏi trên trả lời cứ làm đúng quy định” vẫn diễn ra”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, kết quả rà soát thấy cần nâng cao hơn nữa là chất lượng xây dựng luật, nhấtt là từ góc độ thực tế, từ kinh nghiệm của các địa phương.

Đại biểu đề nghị Chính phủ và các cơ quan nghiên cứu để có đổi mới việc giải thích và áp dụng luật trong thực tiễn vì báo cáo đã khẳng định rằng nhiều luật, văn bản hướng dẫn không sai nhưng có cách hiểu chưa đúng, chưa thống nhất nên khi thực hiện rất khó.

Đọc thêm