Làm rõ những thuận lợi, khó khăn khi triển khai
Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong đó đáng chú ý là Ban Bí thư giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu cơ chế thu hồi tài sản “không qua thủ tục kết tội”.
|
Bà Lê Thị Vân Anh-Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự, Hành chính (Bộ Tư pháp). |
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự, Hành chính (Bộ Tư pháp) Lê Thị Vân Anh, một trong những thách thức chính trong công tác tịch thu tài sản hiện nay là việc xác minh, thu thập chứng cứ và chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội. Đây là công việc đặc biệt khó khăn, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực lớn với trình độ, năng lực chuyên môn cao...
Trước đó, thực hiện Quyết định 474/QĐ-TTg ngày 30/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020, Bộ Tư pháp đã thực hiện nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo “Nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản và đề xuất sửa đổi quy định có liên quan trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Phòng chống tham nhũng”.
Nghiên cứu này cho thấy việc áp dụng cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội trong bối cảnh hiện nay có một số thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, thuận lợi, cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hiệu quả công tác tịch thu tài sản; phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, dù là tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội, nhưng cơ chế này vẫn thông qua trình tự, thủ tục khởi kiện dân sự với đặc điểm cơ bản là trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan khởi kiện ra tòa dân sự. Do vậy, về cơ bản việc áp dụng cơ chế này không trái với các nguyên tắc về suy đoán vô tội, bảo đảm quyền xét xử công bằng của người dân.
Thực hiện Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, trình Ban Bí thư Trung ương Đảng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, đề xuất của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa quy định cơ chế tịch thu tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện nay đã tồn tại cơ chế thu hồi tiền, tài sản bị sử dụng trái phép, bị chiếm đoạt hoặc thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra qua hoạt động thanh tra (Luật Thanh tra). Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức với yêu cầu cán bộ, công chức có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập và phải chịu trách nhiệm (xử lý kỷ luật) trong trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai. Đây có thể xem là tiền đề quan trọng cho quá trình nghiên cứu và xây dựng cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội. “Hiện nay đã có nhiều nước trên thế giới quy định và áp dụng cơ chế này với nhiều mô hình khác nhau. Đây là các kinh nghiệm quý báu để Việt Nam tiếp tục học hỏi, nghiên cứu trong thời gian tới”, bà Vân Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Vân Anh, tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội là biện pháp mới, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, nhận thức của người dân về vấn đề này còn mơ hồ. Hơn nữa, cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội liên quan đến nhiều thiết chế khác như đăng ký tài sản, giao dịch; kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt; phòng, chống rửa tiền... Chính vì thế, để hình thành cơ chế này đòi hỏi phải rà soát, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là pháp luật hình sự, tố tụng hình sự; pháp luật về dân sự và tố tụng dân sự; pháp luật về thi hành án dân sự (THADS); pháp luật về phòng chống tham nhũng; pháp luật về phòng, chống rửa tiền; pháp luật về tài chính, ngân hàng; pháp luật về đăng ký tài sản, giao dịch; pháp luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tố tụng…
Bà Vân Anh nhấn mạnh, với điều kiện nền kinh tế và thói quen giao dịch dùng tiền mặt, thừa kế không di chúc, việc kiểm soát tài sản, thu nhập còn là vấn đề hết sức mới mẻ và đặt ra nhiều thách thức với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quy định phải cụ thể, rõ ràng
Để đảm bảo tính khả thi của cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội khi triển khai, theo bà Vân Anh cần tập trung một số khía cạnh.
Thứ nhất, việc áp dụng cơ chế này không tránh khỏi những băn khoăn, quan ngại về nguy cơ vi phạm một số quyền con người cơ bản, như quyền về tài sản, quyền xét xử công bằng, suy đoán vô tội... Vì thế, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng; cơ chế kiểm tra, giám sát việc áp dụng; giải quyết khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại cho những cá nhân, tổ chức có liên quan khi chứng minh được quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm bởi quyết định thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội. Bên cạnh đó, để bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng việc tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội thì nên nghiên cứu theo hướng chỉ áp dụng cơ chế này trong trường hợp biện pháp thu hồi tài sản theo cơ chế thông thường không thể thực hiện được.
Thứ hai, biện pháp tịch thu tài sản không qua kết tội có trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng riêng biệt, do đó, chúng ta phải có sự đánh giá và chuẩn bị về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, con người, nguồn lực thực hiện để chuẩn bị các phương án, điều kiện cần thiết.
Thứ ba, cần nâng cao các cơ chế, thiết chế khác như đăng ký tài sản, giao dịch; kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt; phòng, chống rửa tiền cũng như nhận thức của cán bộ thực thi pháp luật, người dân.
“Để thực sự đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội thì trên cơ sở kết quả nghiên cứu bước đầu, cơ chế này cần tiếp tục được nghiên cứu sâu sắc, thận trọng hơn, đặc biệt là kinh nghiệm của một số quốc gia cũng như tính hiệu quả, khả thi mà các quốc gia đã đạt được khi thực hiện cơ chế này. Đồng thời, chúng ta cũng cần xác định một lộ trình phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam” - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính đề xuất.
Về hướng nghiên cứu tiếp theo đối với cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo tập trung vào các cơ chế như: Tịch thu tài sản qua thủ tục tố tụng dân sự trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức mà phát hiện có nguồn tiền, tài sản kê khai không trung thực và không giải trình được nguồn gốc; tịch thu tài sản qua thủ tục tố tụng dân sự trong quá trình kiểm soát các giao dịch đáng ngờ mà phát hiện giao dịch của cá nhân thuộc danh sách “đen” hoặc có căn cứ liên quan đến tội phạm; tịch thu tài sản qua thủ tục dân sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.