Chi tiêu tiền thuế phải hiệu quả, thiết thực

(PLVN) - Phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta cần phải có tư duy rằng thu thuế thể hiện sự tín nhiệm, ủy thác của người dân đối với Chính phủ về chất lượng các dịch vụ công mà Chính phủ cung cấp. Do đó, Chính phủ, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm làm sao để những đồng tiền thuế của người dân được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tham dự Đại hội.

Nỗ lực thi đua hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ

Ghi nhận và đánh giá cao đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, xứng đáng là huyết mạch của nền kinh tế, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước biến động mạnh và gặp nhiều khó khăn, thách thức, ngành Tài chính đã nỗ lực thi đua vượt khó không ngừng phấn đấu với quyết tâm cao, cơ bản hoàn thành toàn diện các mục tiêu tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) đã đề ra trong giai đoạn 2016 – 2020; bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách trong bối cảnh dịch Covid-19, thiên tai. 

Ngành Tài chính cũng đã tiên phong trong đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân và DN; Và cũng là ngành đi đầu trong triển khai công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhất là trong hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước trên toàn quốc…

“Có thể nói, ngành Tài chính đạt được những thành quả toàn diện nêu trên là có sự đóng góp quan trọng của công tác thi đua trong cả nhiệm kỳ.Tôi đánh giá cao tinh thần chủ động, sáng tạo của ngành Tài chính trong triển khai đồng bộ các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm. Đặc biệt, trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức, ngành Tài chính càng là minh chứng sống động cho lời dạy của Bác Hồ về thi đua yêu nước là càng khó khăn chúng ta càng phải thi đua…”- Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém của ngành Tài chính đồng thời bày tỏ mong muốn ngành Tài chính cần tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tinh thần thái độ, đạo đức công vụ, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.

Tài chính là tiềm lực đất nước

Lưu ý chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2020 và bước vào năm 2021 - năm đầu của thời kỳ Chiến lược 2021 - 2030 và triển khai Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước còn nhiều thách thức, khó khăn do thiên tai, địch họa, dịch bệnh còn tiềm ẩn, Thủ tướng cho rằng ngành Tài chính phải tiếp tục phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tập trung hiệu quả triển khai các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, trong đó đặc biệt là chú trọng đảm bảo nguồn tài chính để khắc phục hậu quả bão lũ miền Trung, chống đại dịch Covid-19, bảo đảm với đời sống của người dân cũng như sự phục hồi, phát triển của kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành Tài chính phải chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, các giải pháp theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 cũng như kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm tầm nhìn 20 năm đã được đề ra.

“Tư duy vì dân phục vụ cũng như tư duy phát triển đất nước của ngành Tài chính cần phải rõ hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa. Quản lý tài chính quốc gia không phải là thu càng nhiều càng tốt và nghĩ rằng phân phối chỉ tiêu là sự ban phát. Thay vào đó, chúng ta phải có tư duy rằng thuế là thể hiện sự tín nhiệm và ký thác của người dân đối với Chính phủ, đối với các dịch vụ công mà Chính phủ cung cấp. Do đó, chúng ta chỉ có thể tự hào rằng tỷ lệ thu ngân sách cao cho thấy người dân tín nhiệm Chính phủ chứ không phải là Chính phủ tận thu. Chính phủ, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm chi tiêu, sử dụng đồng thuế của người dân một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất” -Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm của người cán bộ tài chính, hòa nhịp chung với các ngành, các cấp, cùng cả nước từng bước tiến lên hiện thực hóa khát vọng phát triển toàn dân tộc, thu hẹp khoảng cách với khu vực, thế giới như là thể hiện rõ trong các văn kiện của Đại hội đảng lần thứ XIII. Ngoài ra, tư duy chiến lược của ngành Tài chính là phải thể hiện tầm nhìn vĩ mô, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì lợi ích chung của đất nước, của quốc gia, của dân tộc.

Đọc thêm