Ở tuổi ngoài 56, NSƯT Chí Trung có nhiều điều vừa đủ trong tay: một diễn viên được công chúng yêu mến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, một đạo diễn sân khấu nhiều lần được tôn vinh, một gia đình hạnh phúc khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Theo như lời NSƯT Chí Trung chia sẻ thì nếu không có vợ quán xuyến, lo lắng cho gia đình, có lẽ các con cũng như bản thân anh sẽ không được như ngày hôm nay, bởi Ngọc Huyền - vợ anh là món quà vô giá mà ông trời ban tặng cho anh.
Người nghệ sĩ ôm đồm…
Sinh ra trong gia đình có cha là nghệ sĩ lớn của dòng nhạc Cách mạng - NSND Quý Dương, NSƯT Chí Trung sống trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ. Nhưng không giống như những chị, em ruột của mình đi theo con đường âm nhạc, anh lại “rẽ lối” sang nghệ thuật kịch. Mặc dù buổi đầu thi tuyển vào Nhà hát Tuổi Trẻ theo kiểu “thi cho vui”, nhưng quá trình hoạt động nghệ thuật của anh hoàn toàn là sự say mê và nghiêm túc.
Nhớ lại ngày mới lấy vợ, Chí Trung bảo, nghệ sĩ nghèo quá cũng phải chạy chợ kiếm ăn. Năm 1982, anh bắt đầu đi buôn, từ những cái nhỏ nhất như thuốc lá, bóng đèn đến săm lốp xe đạp... Năm khó khăn nhất 1986, anh buôn không thiếu thứ gì, lấy hàng từ tỉnh về Hà Nội bán, mang hàng từ Hà Nội đi bán ở bên ngoài.
Tính ra, thời gian đứng chợ xe máy của anh kéo dài tới 8 năm. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là kế sinh nhai “lấy ngắn nuôi dài”. Chung thủy với nghệ thuật và để thành công với nó chẳng dễ dàng. Anh bảo: “Làm nghệ thuật cũng giống như kinh doanh sản phẩm của trí tuệ, văn hóa nhưng nghệ thuật là cái đẹp, vì thế lúc đi buôn đừng có ai nói nghệ thuật, còn trong nghệ thuật đừng ai nói tới chuyện đi buôn”.
Ở thời điểm hiện tại, người ta thường gặp hình ảnh một Chí Trung sôi nổi, năng động. Có lẽ, trong giới nghệ sĩ, không có ai dám “rêu rao” số điện thoại riêng như Chí Trung. Anh không ngại bị làm phiền, bị truyền thông “săn đón” đến mức không còn khoảnh khắc nghỉ ngơi.
Có thể nhiều người bảo anh làm nghệ thuật kiểu gì mà ôm đồm nhiều việc, nhưng bản chất Chí Trung là thế. Anh không sợ mất “oai”, không quan tâm người khác đánh giá mình như thế nào, mà quan trọng là sống tốt, cố gắng thực hiện những điều mình hoạch định ra, hoàn thành những dự định của riêng mình.
Chí Trung nói, anh hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Anh vừa có thể cháy hết mình trong nghệ thuật nhưng vẫn có thể làm tốt vai trò quản lý tại Nhà hát. Chính sự “đa-dzi-năng” của Chí Trung đã giúp bản thân anh cũng như tập thể nhà hát Tuổi trẻ “sống tốt” bằng nghề.
Vợ - Món quà trời ban
Giống như hầu hết các nghệ sĩ khác ở Việt Nam, với Chí Trung, sự thăng hoa trong nghệ thuật không đồng nghĩa với sự phát đạt về kinh tế. Không có nhà đẹp, xe sang, nhưng tài sản cực đáng quý của Chí Trung - Ngọc Huyền là 2 người con đều đã trưởng thành.
Thời trẻ, Chí Trung được coi là người có duyên nên nhiều cô thích. Riêng Ngọc Huyền lại tỏ ra dửng dưng. “Có lẽ điều đó làm nên sức hút từ 2 phía”, Chí Trung bồi hồi.
Yêu nhau tới 8 năm hai nghệ sĩ mới được làm đám cưới, vì gia đình Ngọc Huyền có cuộc sống sung túc, cha mẹ lo con gái phải làm vợ nghệ sĩ nghèo. Vượt qua mọi rào cản, họ đến với nhau bằng tình yêu chân thành. Khi là vợ chồng, tới khi sinh con, 2 nghệ sĩ cũng như bao gia đình khác trải qua khó khăn thời bao cấp. Vậy mà Ngọc Huyền không một lời kêu ca. Cả 2 cùng nhau đi qua nhiều thăng trầm.
Chí Trung cho rằng: “Tất cả vinh quang đều có đắng cay”. Anh lý giải: “Hai vợ chồng chung nhà, chung cơ quan cũng có lúc chán nhau. Tôi là trai mùng một, Ngọc Huyền là gái hôm rằm. Tôi là trai Tân Sửu, vợ là gái Nhâm Dần. Hai tính cách đều được coi là mạnh mẽ, dữ dội gặp nhau”.
Nghệ sĩ bày tỏ tất cả hạnh phúc, chung thủy bền lâu của gia đình anh đều nằm ở vợ: “Huyền hiền lành, nhịn nhục cả những lúc tôi xấu tính. Cách tốt nhất vợ quản lý tôi đó là tình yêu. Tôi là người có văn hóa, nên biết trân trọng tình cảm của vợ”.
Nhưng cũng có một phần lý do khác tạo nên cuộc sống hạnh phúc của Chí Trung chính là cuộc chia tay của ba mẹ anh từ khi anh mới 4 tuổi. Ngày ấy, sau khi gia đình tan vỡ, Chí Trung sống với ông bà, cuộc sống thiếu vắng tình cảm của cả cha và mẹ khiến anh tâm niệm đừng bao giờ làm cho người phụ nữ đau khổ. Anh bảo mình giống bố rất nhiều điểm, cũng rất đa tình nhưng có lẽ thời của mình quá bận rộn nên không còn thời gian để đa tình.
Một nguyên tắc khác của Chí Trung trong cuộc sống gia đình là khi cãi nhau có chiều hướng không kìm hãm được, anh sẽ ra khỏi nhà vì anh bảo không muốn hàng xóm trở thành khán giả bất đắc dĩ khi chứng kiến 2 vợ chồng - 2 diễn viên không cát-sê tung hoành ở “sân khấu” là chính ngôi nhà mình.
Và nguyên tắc của cả 2 người là dù to tiếng thế nào, dù bỏ đi thế nào thì tối vẫn phải “mò về”. Chuyện đi ra khỏi nhà của Chí Trung cũng tùy thuộc vào mức độ cãi nhau. Nếu cãi nhau 1 tiếng thì ra khỏi nhà 1 tiếng, cãi một ngày thì đi một ngày, mà cãi một tuần thì đi một tuần, “nhưng nên nhớ là tối vẫn về nhà đấy nhé”, anh cười bảo.
Chí Trung bảo, ở Nhà hát anh là sếp nhưng về đến nhà, vợ bảo gì anh làm nấy. Anh có thể phụ vợ mọi việc từ rửa rau, rửa bát cho đến lau nhà… trừ chuyện nấu cơm.
“Tôi vẫn luôn có quan niệm, phụ nữ là người giữ lửa trong gia đình. Con đường ngắn nhất đến trái tim đàn ông là đi qua… dạ dày. Ai nói gì thì nói chứ Huyền nhà tôi nấu ăn ngon lắm. Ngày nào không phải đi xa, 2 chúng tôi đều ăn cơm cùng nhau 2 bữa trưa, chiều. Với tôi không mong gì hơn là được ăn cơm nhà, ăn cơm vợ nấu”.
Bạn đời của Chí Trung không chỉ yêu anh hết mực mà còn chăm lo gia đình. Công to việc lớn 2 bên nội ngoại đều do một tay Ngọc Huyền quan tâm, chăm sóc. Chị chu đáo tới mức nhà chồng có việc gì cũng tìm tới con dâu, coi chị như con, còn con trai như khách.
“Cho đến giờ phút này, người ta vẫn bảo tôi tốt đẹp. Thật ra, được như vậy là do Huyền, chứ tôi đâu có trong sạch. Tình cảm của Huyền khiến tôi nếu có bước chân tới hố đen đều lùi lại và quay về”, Chí Trung nói.
Từ đầu đến cuối, Chí Trung luôn dành những lời “có cánh” cho người vợ đã gắn bó với mình hơn 30 năm, với anh đó chính là ân huệ mà ông trời ban tặng cho anh. Và anh biết nâng niu, trân trọng người vợ - người đồng nghiệp luôn sát cánh cùng anh bấy lâu.
“Tôi vẫn ước đến một ngày không còn lăn lộn nữa, tôi sẽ sống chỉ cho vợ. Phải, chỉ sống cho duy nhất một mình vợ mà thôi”, NSƯT Chí Trung nói.
NSND Lê Khanh: Tôi và Chí Trung thường đóng với nhau những vai diễn đầu tiên trong cuộc đời làm nghệ thuật. Anh Trung là người luôn suy nghĩ, luôn luôn sáng tạo, học hỏi. Tôi thường nói đùa: “Ông này khổ. Học hùng hục, chơi cũng hùng hục”. Cũng nhờ cá tính này mà anh Trung có thể coi là người đặt nền móng cho sự ra đời của những vở hài kịch ngắn “Đời cười”, đánh dấu một bước đi rất mới cho sân khấu hài.
NSƯT Ngọc Huyền (bà xã của Chí Trung): Chúng tôi luôn bên nhau từ năm 17-18 tuổi. Ngày 2 buổi tập sáng, chiều mà tối đến vẫn xin phép mẹ đi chơi, đi xem phim. Đến bây giờ, gặp nhau suốt ngày ở nhà hát, tối lại chuyện gia đình, con cái chi phối khiến bọn tôi lại đùa nhau: “Sao mãi mà không chán nhau nhỉ?”.
Đúng là không hề chán nhau mà thậm chí tình nghĩa ngày càng sâu nặng thêm. Mình vẫn yêu như thuở nào. Anh cũng vậy. Nhiều người vẫn thường hỏi có ghen không? Tất nhiên là có chứ, nhưng qua thời gian chung sống lâu, qua đủ các giai đoạn hỉ nộ ái ố rồi thì điều này không còn “tác dụng” mạnh nữa. Lúc trẻ cũng hay ghen. Nhiều khi ghen đúng nhưng hầu như toàn ghen sai. Và từ lâu rồi hình như tôi chưa ghen lại.