Chiến đấu và vượt qua đại dịch là ưu tiên cao nhất, hàng đầu

(PLVN) - Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động và Việc làm đặc biệt G20 về Covid-19 kết thúc 21h tối 23/4 đã ra Tuyên bố nêu rõ "Chiến đấu và vượt qua đại dịch là ưu tiên cao nhất, hàng đầu". Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Việt Nam Lê Văn Thanh tham dự điểm cầu trực tuyến tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Việt Nam ông Lê Văn Thanh tham gia Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động và Việc làm đặc biệt G20 về Covid-19.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Việt Nam ông Lê Văn Thanh tham gia Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động và Việc làm đặc biệt G20 về Covid-19.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ahmed AlRajhi - Bộ trưởng Bộ Phát triển Nguồn Nhân lực và Xã hội Ả rập Xê út, nước chủ nhà đăng cai hội nghị - nhìn nhận, đại dịch đã gây ảnh hưởng chưa từng có về thất nghiệp, mất việc làm. Nhiều người lao động đến nay không đủ lương để sống.

Vì thế thách thức toàn cầu hiện nay là ổn định thị trường lao động, đồng thời phải thay đổi hệ thống bảo trợ xã hội, cũng như cần có các biện pháp hữu hiệu giảm thiểu tác động đại dịch lên thị trường lao động và nền kinh tế.

Cho rằng đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ II, mất việc làm tăng nhanh trên toàn thế giới, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder tính toán, Covid-19 đã khiến giờ làm giảm mạnh.

"200 triệu giờ làm là số giờ bị giảm trong quý II trên toàn cầu. Nghèo đói và bất bình đẳng đang gia tăng. Nạn đói đang trở lên trầm trọng hơn bất cứ gì chúng ta chứng kiến", ông nói và ghi nhận, các gói hỗ trợ kích thích kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội các nước rất kịp thời, giúp duy trì việc làm trên thế giới.

"Các nước G20 thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo duy trì việc làm. Đây là những việc quan trọng để phục hồi bền vững. Các chính sách Y tế, việc làm phải được phối hợp với nhau, đoàn kết toàn cầu phải được đảm bảo mới có thể vượt qua đại dịch", Tổng giám đốc ILO nhấn mạnh thêm.

Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động và Việc làm đặc biệt G20 về Covid-19
 Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động và Việc làm đặc biệt G20 về Covid-19

"Tính đến ngày 17/4/2020, đã có 133 quốc gia lên kế hoạch đưa ra hoặc thông qua 564 biện pháp can thiệp bảo trợ xã hội và việc làm" - ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu về Bảo trợ xã hội và Việc làm World Bank (WB), cho biết.

Để ứng phó với Covid-19, WB cũng đã triển khai nhiều gói kinh tế. Đơn cử, sắp tới WB chuẩn bị triển khai tới 160 tỷ USD trong 15 tháng tới. IDA (Hiệp hội phát triển quốc tế thuộc WB) sẽ cung cấp 50 tỷ đô la trong tổng số đó với các điều khoản tín dụng ưu đãi cao…

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 đã ủng hộ việc đưa ra Tuyên bố cấp Bộ trưởng về Covid-19. Tuyên bố nhấn mạnh: Các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 sẽ tiếp tục hợp tác và phối hợp với các Bộ trưởng G20 khác trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp toàn diện, hiệu quả để giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với xã hội và thị trường lao động trong nước cũng như trên toàn cầu.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ người lao động, đặc biệt là những người bị coi là dễ bị tổn thương và không được bảo trợ xã hội thích đáng. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tránh bỏ họ lại phía sau. Do đó, chúng tôi sẽ không để COVID-19 làm tăng bất bình đẳng, trong đó có bất bình đẳng giới, trong thị trường lao động và bào mòn những tiến bộ đã đạt được cho đến nay. Chúng tôi sẽ làm việc không ngừng nghỉ để chia sẻ, đưa ra và thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu và tiến tới xóa đi tác động của COVID-19 đối với thị trường lao động, xã hội và mở rộng nền kinh tế, luôn nhớ rằng trách nhiệm chính của chúng tôi là bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của người lao động và gia đình họ. Chiến đấu và vượt qua đại dịch là ưu tiên cao nhất, hàng đầu của chúng ta” - Tuyên bố nêu rõ.

Đọc thêm