Mốc son lịch sử đó đưa đến Hiệp định Genève (Giơ ne vơ) năm 1954 nhằm khôi phục hòa bình, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp ở Đông Dương và chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại bán đảo này. Mốc son đó mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Thắng lợi mang tầm vóc thời đại này là kết tinh của nhiều yếu tố. Trong đó, ngoài sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý chí và sức mạnh của quân dân Việt Nam, thì lòng yêu nước nồng nàn chính là yếu tố vô cùng quan trọng. Mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã cho thấy, lòng yêu nước chính là nền tảng của tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí quật cường, bất khuất, là tâm hồn, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Chính yếu tố đó đã góp phần đưa tới quyết định đầy bản lĩnh của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch khi thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” nhằm đối phó với khả năng phòng ngự vững chắc của địch.
Dẫu không ít khó khăn, trở ngại trong thực hiện thay đổi phương châm tác chiến, song với lòng yêu nước nồng nàn, quân và dân ta đã không ngại hy sinh, gian khổ “kéo pháo vào lại kéo pháo ra”. Và tại Điện Biên Phủ, 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” đã sáng ngời những anh hùng dám hy sinh cho Tổ quốc: Tô Vĩnh Diện lấy chính cơ thể mình chèn pháo; Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng; Phan Đình Giót lấy thân mình bịt kín lỗ châu mai; Trần Can anh dũng chống trả quân địch, giữ vững trận địa, tạo thế tiến vào trung tâm Mường Thanh…
“Thiên sử vàng” vang vọng khắp năm châu đó không chỉ làm suy sụp ý chí xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ mà còn đọng mãi với thời gian, qua các thế hệ. Vì thế, học giả, nhà báo Bernard B. Fall, Giáo sư Trường Đại học Howard, Washington DC, từng viết rằng: “Dù ta muốn hay không muốn, cuộc chiến tranh đó còn ảnh hưởng đến chúng ta nhiều chục năm nữa”.
Tháng 5/2023, Việt Nam kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhìn lại khoảng thời gian đó, dân tộc ta đã có thêm những trận Điện Biên Phủ mới trong chiến tranh vệ quốc. Đó là một Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972; là tinh thần kháng chiến toàn diện của Điện Biên Phủ tiếp tục phát huy ở những tầng nấc mới để có mùa Xuân 1975 lịch sử. Thống nhất, hòa bình, đất nước lại vượt qua biết bao thử thách, khủng hoảng, có không ít những thời khắc hiểm nghèo, vận nước gian nan. Cũng trong quãng thời gian ấy, lòng chảo Điện Biên- vùng đất núi đồi trập trùng, rừng cây bao quanh với đầy đạn bom đã chuyển mình thành đô thị sầm uất. Mong ước “Điện Biên cất cánh” đang dần thành hiện thực.
Nhưng cũng lúc này, lại nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch”.
Trong Di chúc, Người còn căn dặn kế hoạch xây dựng lại đất nước đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Người viết: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
69 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Việt Nam đang nuôi dưỡng và quyết tâm theo đuổi khát vọng, mục tiêu: Đời sống nhân dân ấm no, đất nước hùng cường, thịnh vượng. Nhưng đây là một công việc rất to lớn, nặng nề, phức tạp với biết bao bộn bề. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ những tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước: “Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống”.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu ấy đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, đan xen với những cơ hội, thuận lợi mới. Có đánh thức được tiềm năng và biến thành nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ đất nước hay không, điều đó phụ thuộc vào ý chí, nghị lực của toàn Đảng, toàn dân ta, của mỗi người Việt Nam chúng ta”.
Vậy lúc này đây, bài học của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn đang nóng hổi đối với hôm nay. Bài học đó nhắc nhở rằng, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước; ý chí đại đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thì lòng yêu nước nồng nàn chính là một yếu tố vô cùng quan trọng để hiện thực khát vọng thời đại “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Khát vọng đó cũng thiêng liêng và mãnh liệt như ý chí dân tộc giành độc lập, hòa bình, thống nhất Tổ quốc trong thế kỷ XX.