Theo Điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo của Đảng giữa hai nhiệm kỳ Đại hội, chịu trách nhiệm về mọi mặt của Đảng và đất nước; quyết định những vấn đề chiến lược và chủ trương, chính sách lớn về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...
Ban Chấp hành Trung ương làm việc theo chương trình toàn khóa và hàng năm, họp thường lệ 6 tháng một lần (gần đây nhất là Hội nghị Trung ương 6 diễn ra từ 3-9/10) và họp bất thường khi cần thiết. Khi Bộ Chính trị thấy cần thiết hoặc có trên một nửa số Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đề nghị thì Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường.
Theo kế hoạch, 5 ngày sau khi Trung ương họp xong, Quốc hội sẽ họp bất thường để xem xét một số vấn đề cấp bách, trong đó có quyết định về công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác (nếu có). Nội dung về nhân sự sẽ được bố trí vào đầu kỳ họp.
Cách đây 6 tháng, chiều 6/6, Ban Chấp hành Trung ương cũng họp bất thường lần thứ nhất để xem xét thi hành kỷ luật nghiêm khắc theo thẩm quyền với hai Ủy viên Trung ương đương nhiệm là ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long – với những dấu hiệu phạm tội rõ ràng, đến mức bị khởi tố điều tra hình sự. Sau đó, Quốc hội đã điều chỉnh chương trình Kỳ họp lần thứ 3 đang diễn ra, bổ sung nội dung nhân sự.
Xa hơn nữa, tháng 3/1995, trong quá trình chuẩn bị Đại hội VIII, vốn được lên kế hoạch tổ chức ngay năm sau đó, Bộ Chính trị khóa VII cũng triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường để lựa chọn, giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII có chất lượng cao hơn nhằm đủ sức thực hiện những nhiệm vụ chiến lược đặt ra ở giai đoạn lịch sử thời điểm đó…