Chim trời đang bị tận diệt ở Quảng Ninh nhưng cơ quan chức năng tỉnh này vẫn “bình chân như vại” và né tránh trách nhiệm.[links()]
Chức năng thuộc về ai?
Pháp luật Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - về nạn chim trời bị tận diệt tại huyện Yên Hưng. Ông Đọc nhắn tin cho phóng viên với nội dung: Đã đặt lịch làm việc cho phóng viên gặp ông Chu Văn Tuyển - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh.
Số phận chim trời “trót” bay qua đất Quảng Ninh |
Ngày 7/10/2010, phóng viên liên lạc với ông Chu Văn Tuyển, ông này nói: “Bận đi công tác!”. Thêm một lần nữa, phóng viên nhấn mạnh với ông Tuyển về việc chim trời tại Yên Hưng đang bị tận diệt trên quy mô lớn. Lúc này, ông Tuyển bèn sắp xếp cho phóng viên gặp ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng phòng Chăn nuôi của Sở.
Chiều cùng ngày (7/10), phóng viên có cuộc gặp với ông Nguyễn Văn Tám tại trụ sở nơi ông làm việc. Tuy nhiên, khi phóng viên đưa nội dung về việc săn bắt chim trời trái phép ở Yên Hưng ra thì ông Tám lại tỏ ra hết sức bất ngờ. Ông Tám cho biết: Phòng Chăn nuôi không hề phụ trách mảng chim trời bị săn bắt trái phép. Bộ phận có trách nhiệm trong vấn đề này là... Chi cục Kiểm lâm tỉnh!
Khi phóng viên nói rằng Chủ tịch tỉnh giao Giám đốc Sở trả lời, Giám đốc Sở ủy quyền cho ông Tám đưa ra quan điểm thì ông trưởng phòng tìm cách chữa cháy, gọi điện cho một người mà ông Tám nói là ông Phạm Văn Phát - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.
Sau một hồi trao đổi qua điện thoại với người đó, ông Tám vào nói lại với phóng viên: Ông Phát là người trực tiếp quản lý Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, hôm nay ông Phát đang bận đi công tác. “Không biết trả lời thế nào vì không biết lĩnh vực (săn bắt chim trái phép - PV) trên địa bàn huyện Yên Hưng là do Bộ hay tỉnh quản lý” - ông Tám chốt lại.
“Báo đăng thì cứ đăng”
Chiều 12/10, phóng viên liên lạc lại với ông Chu Văn Tuyển - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Qua điện thoại, ông Tuyển thêm một lần nữa né tránh về vấn đề trên khi từ chối gặp và làm việc trực tiếp với phóng viên. Ông này còn cho biết: Trách nhiệm chủ yếu thuộc về chính quyền địa phương là UBND huyện Yên Hưng.
Hơn nữa, cũng chưa thể khẳng định được việc săn bắt chim ở đó (huyện Yên Hưng) có bị cấm hay không vì chưa biết chim bị săn bắt là loại chim nào. “Tôi cũng chỉ mới lên làm Giám đốc Sở Nông nghiệp được mấy tháng. Báo đăng thì cứ đăng, cũng không có vấn đề gì đâu” - ông Tuyển nói.
Trong một diễn biến khác, ông Vũ Quang Lân - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh - khẳng định về vấn đề săn bắt chim trái phép, phóng viên nên làm việc với Chi cục Kiểm lâm thì sẽ rõ hơn.
“Chim trời vẫn bị bắt nhiều lắm!” Kể từ khi liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh (cuối tháng 9/2010) đến nay, phóng viên đã thông báo cho các cơ quan này về nạn săn bắt chim trời trái phép đang hoành hành tại huyện Yên Hưng. Chúng tôi còn nhấn mạnh: Nếu các cơ quan chức năng của Quảng Ninh không vào cuộc thì trong dịp gió mùa chớm về (đầu tháng 10 này), chim trời sẽ bị bắt rất nhiều. Và thực tế liên tục trong những ngày gần đây, phóng viên luôn nhận được thông tin từ huyện Yên Hưng báo về: “Chim trời đang bị bắt nhiều lắm. Nhiều gấp ba, bốn lần dịp cuối tháng 9”. |
Về chuyện huyện Yên Hưng có chim trời, chim di cư quý hiếm như chim trời, vạc, sâm cầm, bìm bịp bị săn bắt trái phép, ngay từ năm 2002-2004, một tổ chức Bảo vệ động vật từ nước ngoài đã triển khai một chương trình bảo vệ chim trời, chim di cư tại huyện Yên Hưng. Chương trình này có sự hỗ trợ của cả chính quyền huyện Yên Hưng và tỉnh Quảng Ninh lúc bấy giờ nhưng đã bị ngưng lại khi dịch cúm gia cầm bùng phát./.
Thọ Phước - Văn Minh