Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng doanh nghiệp hàng không cũng cần tự củng cố sức mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) đưa hàng loạt kiến nghị, sau đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành này. Tuy nhiên, theo đại diện VABA, tiềm lực tài chính của các hãng hàng không trong nước còn yếu, quản trị, kinh doanh ở một số doanh nghiệp chưa tối ưu...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mỗi ngày, các doanh nghiệp vận tải hàng không phải tiêu tốn hàng trăm tỷ để giữ hoạt động, trong khi lượng khách sụt giảm mạnh khiến nhiều hãng bay thua lỗ. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trao đổi với ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) để tìm hiểu tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch vẫn còn diễn biến phức tạp.

Thu không đủ chi, nợ hàng chục ngàn tỷ đồng

Doanh nghiệp (DN) hàng không đang bị ảnh hưởng thế nào bởi dịch COVID-19, thưa ông?

- Đợt dịch COVID-19 thứ ba và thứ tư ở nước ta bùng phát đúng vào thời điểm cao điểm của hàng không trong nước. Đây là một tổn thất rất lớn đối với các DN hàng không. Số chuyến bay hiện nay giảm 80% đến 90% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện các máy bay không hoạt động, nằm chờ tại các sân bay là rất lớn, kéo theo chi phí bảo dưỡng, bảo trì cao. Với lượng khách ít như hiện nay, doanh thu các hãng không đủ chi, dẫn đến dòng tiền thiếu hụt, thua lỗ.

Từ đầu năm 2020 tới nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động của ngành hàng không. Doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt Nam giảm trên 60%, tức khoảng 100.000 tỷ đồng. Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng. Năm 2020, Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo lỗ về hoạt động hàng không 16.000 tỷ đồng. Hiện nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng đã lên tới 36.000 tỷ đồng, riêng Vietnam Airlines khoảng 20.000 tỷ đồng.

Không chỉ các hãng hàng không, các DN liên quan như cung cấp suất ăn, nhiên liệu bay, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ mặt đất cũng đều bị ảnh hưởng nặng nề và hiện đang rất khó khăn, phải tiết giảm nhiều chi phí, hoạt động cầm chừng. Có thể nói, đây đang là thời kỳ khó khăn nhất của ngành hàng không Việt Nam từ trước đến nay.

VABA đã có những kiến nghị gì để giúp các DN hàng không vượt qua khó khăn, thưa ông?

- Chúng tôi rất chủ động trong việc kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ các DN thành viên trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Ngay sau khi kết thúc đợt dịch COVID-19 lần thứ hai vào khoảng tháng 10/2020, chúng tôi đã đưa ra hàng loạt kiến nghị. Sau đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN hàng không, trong đó có việc giảm chi phí cất hạ cánh, giảm phí môi trường, giảm phí dịch vụ tại sân bay, hỗ trợ lãi vay…

Mới đây, chúng tôi vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ sớm sử dụng “hộ chiếu vắc xin”. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vắc xin. Từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vắc xin đầy đủ và có kế hoạch sớm triển khai mở lại các đường bay quốc tế với việc sử dụng “hộ chiếu vắc xin”.

Chúng tôi cũng đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không. Đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm.

Ngoài ra, chúng tôi kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay ở mức sâu hơn cho các hãng hàng không. Cụ thể, giảm tới mức 70% thay vì 30% như hiện nay đến 30/6/2022.

Ông Bùi Doãn Nề

Ông Bùi Doãn Nề

Tiềm lực tài chính của doanh nghiệp còn yếu

Ông đánh giá thế nào về các chính sách đã hỗ trợ cho ngành hàng không?

- Theo dự báo của chúng tôi, nếu tình hình dịch bệnh được khống chế tốt, đến khoảng tháng 6/2022 thì ngành hàng không trong nước sẽ phục hồi. Tuy nhiên, để có được kết quả khả quan đó, ngoài việc dịch bệnh được khống chế thì các giải pháp như chúng tôi đã đề xuất phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

Hiện nay các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho hàng không được đề ra kịp thời, nhưng còn thiếu và chậm được triển khai. Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc này. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, tiềm lực tài chính của các hãng hàng không trong nước còn yếu, khi xảy ra dịch bệnh với thời gian kéo dài, dòng tiền suy giảm dẫn đến nguy cơ thiếu tài chính để hoạt động. Quản trị, kinh doanh ở một số DN hàng không chưa tối ưu, năng suất lao động chưa cao.

Ông có cho rằng dịch COVID-19 cũng là một “phép thử” mạnh cho các DN hàng không để có những bài học kinh nghiệm?

- Dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của các DN hàng không là thấy rõ. Nhưng qua đó, chúng tôi cũng rút được nhiều bài học kinh nghiệm. DN hàng không cần tăng doanh thu phụ trợ, doanh thu vận chuyển hàng hóa, doanh thu hoạt động tài chính; cắt giảm chi phí hoạt động; cải tổ, tái cấu trúc DN mạnh mẽ hơn.

Chúng tôi đánh giá cao các DN hàng không thời gian qua đã tự xoay xở, đưa ra các giải pháp rất kịp thời và hiệu quả ứng phó với các khó khăn để tự đứng vững. Các DN đã không thụ động, không có tâm lí chỉ trông chờ vào các giải pháp, chính sách của Nhà nước. Do đó, hiện nay các DN hàng không dù đang rất khó khăn nhưng khi cơ hội bay được mở ra thì các hãng bay luôn đủ sức khỏe, sẵn sàng phục vụ hành khách một cách tốt nhất.

Trân trọng cảm ơn ông!

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm