Nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn
Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%.
Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6 - 6,5%). Tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,99%, công nghiệp và xây dựng đạt 9,44%, dịch vụ đạt 10,57%; khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong 9 tháng đã thực hiện được hơn 60 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và giao kế hoạch vốn chi tiết Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 92 nghìn tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Các khó khăn, vướng mắc được khắc phục kịp thời đã tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia. Đến nay, cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc, trong đó đã đưa vào khai thác 365 km và thông tuyến 200 km. Phấn đấu trong tháng 12.2022, khởi công xây dựng 12/12 dự án thành phần với chiều dài 729 km của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tuy nhiên ổn định kinh tế vĩ mô vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; Các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật còn vướng mắc, bất cập, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch còn chậm. Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu; Chưa phát huy tốt vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước tham gia vào các công trình, dự án lớn.
Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; Cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao; Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Báo cáo Quốc hội. |
Thủ tướng cũng thông tin về nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cuối năm 2022. Theo đó, trong 3 tháng cuối năm 2022, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực. Chú trọng phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch chồng dịch; khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Theo dõi sát tình hình, tận dụng tốt thời cơ, hóa giải hiệu quả khó khăn, thách thức; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định các loại thị trường, tận dụng tốt thị trường trong và ngoài nước. Bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023.
Điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp; Bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng. Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch. Tăng cường phòng chống thiên tai, bão lũ.
Cần xem xét lại một số chương trình hỗ trợ
Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn khá thấp. Tính đến ngày 28/9/2022 mới đạt 20% tổng số vốn của Chương trình. Giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án thuộc Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn triển khai chậm
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu việc mở rộng đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ lãi suất 2%. Có ý kiến cho rằng việc sử dụng 1 nghìn tỷ đồng để trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có thể không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại…
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội còn đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể hơn kết quả, tình hình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội theo từng chính sách cụ thể, trong đó bao gồm cả việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ; Mục tiêu “phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên” khó thực hiện, lãi suất không giảm mà có xu hướng tăng
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội còn đề nghị Chính phủ giải thích về số liệu ước cả năm 2022 “cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 1 tỷ USD” trong khi ước 9 tháng đầu năm đã xuất siêu 6,52 tỷ USD (điều này đồng nghĩa với việc 3 tháng cuối năm nhập siêu có thể lên đến hơn 5 tỷ USD - PV).
Đồng thời làm rõ nhận định “dự báo hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc” khi dấu hiệu suy giảm xuất khẩu đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian gần đây (cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước là đối tác thương mại chính như Mỹ, EU sụt giảm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, đồ gỗ và lâm sản, da giầy, gốm sứ… đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt, thậm chí bị hủy đơn hàng trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023)./.