“Hộ chiếu vaccine” là giải pháp khả thi nhằm từng bước mở cửa nền kinh tế
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật việc triển khai “hộ chiếu vaccine” và kế hoạch tiếp nhận trở lại khách du lịch của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và còn lâu dài, không thể khống chế tuyệt đối, Chính phủ Việt Nam đã thống nhất chuyển chủ trương từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịchCOVID-19” có nghĩa là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội.
Trong đó, chiến lược “hộ chiếu vaccine”, “thẻ xanh sức khỏe” hay “giấy chứng nhận sức khỏe số”… được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước mở cửa nền kinh tế - đặc biệt là các ngành liên quan đến dịch vụ và du lịch.
Về bộ tiêu chí công nhận và sử dụng “hộ chiếu vaccine” của các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, một trong những nội dung quan trọng của bộ tiêu chí nói trên là về loại vaccine, theo đó Việt Nam chấp nhận các loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới hoặc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ hoặc Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu hoặc Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Việt Nam cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch đã được tiêm chủng tới Việt Nam, trước mắt là triển khai thí điểm ở Phú Quốc trong thời gian tới.
Tiếp tục được đẩy mạnh việc tiếp cận nhập khẩu và hợp tác sản xuất thuốc điều trị COVID-19
Vừa qua, Bộ VH,TT&DL đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến với các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Mở cửa lại du lịch quốc tế”. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao đang kiến nghị mở rộng đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có đi du lịch theo “bong bóng” và đón người Việt Nam định cư ở nước ngoài về tham quan, nghỉ dưỡng, đầu tư kinh doanh.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất công nhận tạm thời “hộ chiếu vaccine” của công dân từ một số quốc gia và thông qua cơ quan đại diện ngoại giao để xác nhận các loại chứng nhận này.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng cường kết nối với các doanh nghiệp quốc tế để quảng bá hình ảnh của Việt Nam, đặc biệt là khi nhu cầu du lịch tăng trở lại sau một thời gian dài bị hạn chế đi lại, từ đó đưa ngành du lịch Việt Nam phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ hơn, góp phần vào việc phục hồi kinh tế của đất nước trong tình hình mới.
Tại Hội nghị, các đại sứ, đại diện các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã nêu nhiều ý kiến tham mưu để mở cửa lại du lịch quốc tế, đặc biệt là trong triển khai kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc tới đây.
Cũng tại họp báo, phóng viên đề cập đến việc nhiều nước tại châu Á đang chạy đua đặt mua thuốc Molnupiravir trị COVID-19 trong bối cảnh tốc độ tiêm chủng chưa đáp ứng kịp và đề nghị Người phát ngôn cho biết Việt Nam có kế hoạch tìm kiếm nguồn cung thuốc Molnupiravir hay không.
Về vấn đề này, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, xác định thuốc điều trị và vaccine là những giải pháp quyết định để kiểm soát và thích ứng an toàn với dịch bệnh, Bộ Ngoại giao đã sớm chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài tìm hiểu tình hình phát triển các loại thuốc điều trị trên thế giới, thông tin và hỗ trợ Bộ Y tế tìm kiếm các loại thuốc tiềm năng, được đánh giá là có hiệu quả cao để xem xét nghiên cứu và thử nghiệm tại Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, việc tiếp cận nhập khẩu và hợp tác sản xuất thuốc điều trị COVID-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.